CafeLand – Theo thông tin từ Reuters, ngày 26/3 vừa qua, Campuchia đã quyết định thu hồi 742ha đất giao cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) từ 10 năm trước làm đồn điền cao su trả lại cho người dân.

Hình ảnh một dự án cao su của HAGL

Theo hãng tin Reuters, tỉnh trưởng Ratanakiri, miền Đông Bắc Campuchia, ngày 26/3 đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp nước này thu hồi 64 khu đất cho phép khai thác, gồm các khu rừng, đầm lầy và các khu nghĩa trang từng thuộc về 12 cộng đồng bản địa.

Hiệp hội những người cao nguyên và các nhóm luật sự đại diện cho các cộng đồng bản địa như Equitable Cambodia và Indigenous Rights Active Members, cho biết, quyết định hôm 26/3 sẽ thu hồi thêm 742ha đất từ HAGL. Đây là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang phải đối diện với việc bị rà soát chặt chẽ hơn, Reuters cho biết.

Được biết, từ đầu những năm 2000, Campuchia đã giao nhiều khu đất cho các công ty nước ngoài để đổi lấy việc họ đầu tư vào việc khai mỏ, xây nhà máy điện và các nông trường nhằm thúc đẩy kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, các thỏa thuận đó đã chiếm hơn 10% tổng diện tích đất của cả nước, tính đến 2012, và đẩy hơn 770.000 người vào cảnh mất nhà mất đất. Nhiều cuộc biểu tình, tranh chấp đất xảy ra và áp lực từ các nhóm chính quyền buộc Thủ tướng Campuchia Hun Sen đưa ra lệnh cấm với các thỏa thuận đất từ năm 2012.

Từ 10 năm trước, Campuchia đã giao khoảng 19.000ha đất thuộc 12 cộng đồng bản địa trên cho HAGL trồng cao su. Năm 2014, người dân địa phương đệ đơn khiếu nại lên Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới, tổ chức tài trợ cho các dự án của HAGL tại Campuchia và Lào, về các tác động môi trường và xã hội "nghiêm trọng".

Trong tiến trình giải quyết tranh chấp, HAGL đồng ý dừng việc giải phóng mặt bằng thêm đối với các phần đất chưa giải tỏa. Đến năm 2015, HAGL đồng ý trả lại phần đất chưa biến thành đồn điền hoặc chưa giải tỏa. Điều này khiến diện tích đất mà HAGL được giao tại Campuchia giảm đi hơn 60%, còn lại gần 8.400ha.

Quá trình thương lượng chưa kết thúc, đầu năm nay, HAGL đơn phương rút khỏi các cuộc đàm phán và nói rằng người dân địa phương cần tìm giải pháp từ phía chính quyền Campuchia.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.