Trong lịch sử, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là dòng kênh thơ mộng bậc nhất Sài Gòn, tuy nhiên từ những năm 70 của thế kỷ trước, người dân bắt đầu cơi nới các nhà tạm, sinh sống hai bên bờ, lấn chiếm, xả thải vào lòng kênh thành dòng kênh chết, nước đen ngòm.
Kết quả của sự quyết tâm
Năm 1988, Thành ủy TP.HCM ban hành Nghị quyết về chương trình cải tạo, chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thế nhưng do thiếu kinh phí nên chỉ làm được một đoạn chừng 50m rồi tạm dừng.
Đến năm 1993, chính quyền TP.HCM một lần nữa tái khởi động chương trình với dự án giải tỏa hàng nghìn căn nhà tạm, đồng thời xây dựng hai tuyến đường dọc bờ kênh. Tổng vốn dự án đầu tư dự kiến lúc đó khoảng 1.600 tỷ đồng, đền bù giải tỏa cho 7.000 hộ dân và nạo vét 260.000 m3 bùn đất, làm đường, trồng cây xanh, lát vỉa hè dọc bờ kênh.
Đến năm 2003, dự án được tiếp tục với giai đoạn vệ sinh môi trường nước dòng kênh, các hạng mục được triển khai đó là nạo vét bùn dưới dòng kênh; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải.
Các công trình này được triển khai nhờ nguồn vốn 300 triệu USD, trong đó Ngân hàng thế giới (WB) đã đồng ý cấp vốn lần đầu 166 triệu USD cho giai đoạn 1 của dự án, nhưng do lạm phát năm 2007 - 2008, kinh phí dự án tăng vọt, nên WB cấp bổ sung thêm 90 triệu USD. Chính phủ và chính quyền TP. Hồ Chí Minh cung cấp vốn đối ứng 68 triệu USD.
Giai đoạn 2 của dự án gồm các hạng mục: Xây một nhà máy xử lý nước thải; tiếp tục triển khai phần cống thu nước thải còn lại; xây hệ thống thoát nước quận 2. Đây là phần tiếp theo của dự án vì sẽ xử lý lượng nước thải hiện đang tạm thời đổ ra sông Sài Gòn. Kinh phí dự kiến tính khoảng 478 triệu USD.
Tổng lại, dự án phải lắp đặt 60km cống ngầm, các tuyến cống bao đặt ngầm âm dưới lòng đất 10 - 30m. Dự án cũng đã thay thế và kéo dài 51 km cống thoát nước kết hợp cấp 1 và cấp 2, 375 km cống thoát nước cấp 3, nạo vét 1,05 triệu m3 bùn đất, gia cố 18 km bờ kênh.
Dự án được khởi công từ năm 2005, hoàn thành vào tháng 6/2012, mọi nguồn nước sinh hoạt của dân đều được chảy vào trong hệ thống cống ngầm, được xử lý trước khi đổ ra sông Sài Gòn, triệt tiêu mọi nguồn gây ô nhiễm cơ bản, "hồi sinh" dòng kênh.
Không dừng lại ở đó, năm 2011, khi dự án sắp đến giai đoạn nước rút, UBND TP.HCM tiến hành tiếp tục đầu tư, cải tạo nâng cấp hai tuyến đường hai bên dòng sông, biến nơi đây thành con đường đẹp nhất thành phố.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay.
Hiện nay, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được coi là công trình thế kỷ của TPHCM, cá bơi lộ tung tăng, mặt đường hai bên dòng kênh đã bằng phẳng, vỉa hè được lát đá, lắp đặt đèn chiếu sáng với hệ thống cây xanh tạo nên cảnh quan sạch sẽ, thoáng đãng.
Thành phố cũng đang triển khai nhiều dịch vụ trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè như: dịch vụ du lịch thưởng ngoạn bằng du thuyền, hay dịch vụ xe bus đường thủy dọc theo dòng kênh thu hút được đông đảo khách du lịch và nhân dân tham gia.
Cần phối hợp chặt chẽ giữa thủy lợi và môi trường
Trong thời điểm kinh tế khó khăn nhưng bằng những quyết tâm thực hiện triệt để, toàn bộ dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được tái sinh ngoạn mục và là một trong những bài học nhãn tiền cho việc cải tạo sông Tô Lịch cũng như các dòng sông chết tại Hà Nội.
Theo GS.TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh thiếu kinh phí, Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện cải tạo, chỉnh trang các con sông theo từng giai đoạn như TP.HCM đã làm với kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Tuy nhiên, về lâu dài GS.TS Đào Xuân Học cho rằng Hà Nội muốn xử lý được triệt để tình trạng ô nhiễm cho sông Tô Lịch cũng như làm "sống" lại các con sông khác, không có cách nào khác, bắt buộc phải tách riêng hệ thống thu gom nước xả thải ra khỏi dòng chảy của các con sông.
Bên cạnh đó, giải quyết xong bài toán ô nhiễm, còn là bài toán tiêu thoát, chống ngập úng cho cả thành phố. Đây là vấn đề rất lớn đòi hỏi phải có được nghiên cứu công phu, tổng thể.
GS.TS Đào Xuân Học cho biết, từ lâu Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và có chủ trương thực hiện song song, đồng nhất nhiều đề án. Ngành thủy lợi hiện đang thực hiện dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích và dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa). Với hai dự án này nguồn nước từ sông Đà, tiếp nguồn sông Tích vừa đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa bảo đảm tiêu thoát nước, phòng chống lũ cho lưu vực. Tuy nhiên đến nay những dự án thủy lợi đang thực hiện về cơ bản đã giúp Hà Nội giải quyết được căn cơ tình trạng ngập úng, nhưng tiến độ còn ì ạch, giải ngân chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chủ trương chung. Ông Học khẳng định, Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các ngành thủy lợi, môi trường tiến hành rà soát lại toàn bộ các vấn đề từ ô nhiễm môi trường, xử lý xả thải, cho tới vấn đề tiêu thoát, chống ngập úng để có được giải pháp tổng thể, đồng bộ, hiệu quả. |
-
Chuyên gia nói gì về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa
Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa – tâm linh của Cty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) chưa rõ tính khả thi.