25/08/2016 7:49 AM
Theo Luật Nhà ở, hạn chót vào ngày 30/6/2016, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải chuyển hoạt động kinh doanh (phần diện tích không được phép kinh doanh) ra khỏi căn hộ chung cư (để tránh lộn xộn). Tuy nhiên, đến nay các trụ sở, văn phòng công ty vẫn tồn tại trong tòa chung cư.

Trụ sở nhiều công ty tồn tại trong tòa chung cư bất chấp quy định cấm (tòa B4 Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Duy Bách.

Bất chấp

Liên tiếp các hành lang pháp lý được đưa ra từ năm 2008 đến nay đều không cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng các căn hộ chung cư làm trụ sở công ty, văn phòng làm việc. Mới đây nhất, Điều 80 Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở (2014) quy định: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong sáu tháng, kể từ ngày 10/12/2015 (ngày có hiệu lực của nghị định này). Sau ngày 10/6/2016, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư.

Một lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy định cấm sử dụng chung cư làm văn phòng được đưa ra nhằm đảm bảo không gian sống, đảm bảo an ninh trật tự cho người dân. Mặt khác, thiết kế ban đầu của các chung cư theo quy định chỉ phù hợp để ở chứ không phải để làm văn phòng. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, cho đến nay, số lượng văn phòng mọc lên tại các căn hộ chung cư ngày một nhiều. Sáng 24/8, khảo sát tại một số chung cư có vị trí trung tâm như Tòa 18T1, 18T2 Trung Hòa - Nhân Chính (Lê Văn Lương, Hà Nội), Golden Land (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), Udic Hoàng Đạo Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội)..., dễ thấy, tại đây vẫn tràn lan căn hộ cho thuê làm văn phòng.

Tại tòa B4 Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), những biển tên công ty được gắn trước cửa các căn hộ như: Cty CP Phát triển và Chuyển giao công nghệ Mắt thần, Cty CP Y sinh Ngọc Bảo, Viện nghiên cứu và Phát triển vật liệu y sinh... Tại tòa 34T Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng xuất hiện hàng loạt các văn phòng như: Cty CP kết nối Châu Á, Cty CP Hafico tech...

Thậm chí, các ban quản lý tòa nhà vẫn vô tư hướng dẫn khách có nhu cầu thuê căn hộ làm trụ sở văn phòng. Thành viên Ban Quản lý tòa B4 Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) ra giá, 9 triệu đồng/tháng cho căn hộ 80m2 tầng 10. “Chúng tôi sẽ đứng ra làm hợp đồng. Đây là căn hộ của cư dân gửi cho thuê lại. Nếu chị có nhu cầu làm văn phòng sẽ chịu mức phí dịch vụ 800.000 đồng/tháng còn để ở chỉ 400.000 đồng/tháng”, vị này nói.

Cơ quan quản lý bất lực

Mặc dù ấn định hạn chót, người kinh doanh phải di chuyển khỏi chung cư, song chưa thấy một quy định cụ thể nào liên quan đến chế tài xử phạt hay cưỡng chế những trường hợp này (nếu không thực hiện). Thậm chí, khi được hỏi việc không được phép sử dụng căn hộ làm văn phòng, nhiều chủ đầu tư và ban quản lý vẫn thờ ơ. Hầu hết đều cho rằng, họ chỉ có trách nhiệm xây và bán cho cư dân. Việc cư dân ở hay cho thuê là quyền của người dân nên chủ đầu tư khó can thiệp. Trong khi đó, nhiều ban quản lý tòa nhà ngạc nhiên cho rằng, không biết quy định phải di chuyển việc kinh doanh ra khỏi tòa nhà trước 30/6. Dường như quy định này bị “bỏ quên” tại các tòa chung cư.

Trước đó, năm 2009, Bộ Xây dựng có Công văn số 2544 yêu cầu một số địa phương tiến hành rà soát và có biện pháp chấn chỉnh việc sử dụng nhà chung cư làm văn phòng. Sau lệnh cấm đó, gần như các địa phương không tổ chức thực hiện, nên Bộ Xây dựng gia hạn. Nhưng sau đó, chẳng ai đoái hoài, ngoài một số báo chí tuyên truyền khá rầm rộ, ủng hộ. Bởi thế, đến nay ngày càng nhiều văn phòng tại các chung cư mặc nhiên tồn tại. Trên các trang rao vặt vẫn nhan nhản thông tin cho thuê chung cư làm văn phòng.

Cấm không được nên đã có năm Bộ Xây dựng dự thảo đề xuất cho phép sử dụng chung cư làm văn phòng (năm 2011). Tuy có đặt ra điều kiện: Diện tích sử dụng bình quân phải bằng hoặc lớn hơn 8m2/người; Hoạt động của văn phòng không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy; Việc sử dụng căn hộ làm văn phòng phải có sự đồng ý (ký tên) của các chủ sở hữu, người sử dụng trong cùng tầng nhà của đơn nguyên có căn hộ đó và ít nhất hai phần ba tổng số các chủ sở hữu, người sử dụng trong đơn nguyên có căn hộ đó đồng ý... Tuy nhiên, dự thảo này cũng không được người dân đồng tình nên sớm chết yểu vì trái với những quy định trước đó của chính bộ này. Vì vậy, một lần nữa Bộ Xây dựng ra quyết tâm “cấm” triệt để hoạt động kinh doanh này tại căn hộ chung cư trong nghị định mới.

Ông Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ phân tích, pháp luật về quản lý nhà ở chung cư không cho phép chủ sở hữu nhà ở sử dụng hoặc cho người sử dụng phần sở hữu riêng trái với mục đích quy định. Thực tế cho thấy, việc này đến nay bế tắc do không ai thực hiện. Hiện tại, theo quy định xử phạt chỉ áp dụng trong lĩnh vực trật tự xây dựng và thiếu chế tài trong vấn đề quản lý chung cư. “Cơ quan quản lý nhà nước nên quy định rõ, nếu chủ căn hộ sai phạm cho thuê sẽ bị phạt mức nào và ai là người phạt. Thậm chí, ai là người giám sát việc xử phạt xong, người dân có tái phạm hay không”, luật sư Quyền nói.

Ngọc Mai (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.