16/12/2020 8:50 AM
CafeLand - Khi nhìn vào các trung tâm tài chính lâu đời trong bối cảnh mới mẻ của năm nay, các nhà lãnh đạo toàn cầu chỉ thấy hai điều, đó là chi phí cao và sự hỗn loạn về chính trị.

Trong bối cảnh bùng nổ làm việc tại nhà do đại dịch Covid-19, những cơn gió ngược trên đang đe dọa sẽ vẽ lại bản đồ toàn cầu về những trung tâm mà vừa huy động vừa tạo ra tiền bạc. Tại New York, Goldman Sachs Group Inc. và Moelis & Co. có thể sẽ sớm thấy các khách hàng chủ chốt của mình chuyển đến Florida để tránh mức thuế và chi phí cao tại đây. Trong khi đó, Brexit đang lấy đi cả tài sản và nhân tài khỏi London, trong khi sự kiểm soát nặng nề của Trung Quốc đang làm suy giảm sức hấp dẫn lâu năm của Hồng Kông.

“Các trung tâm tài chính đang bị đe dọa hơn bao giờ hết”, Michael Mainelli, đồng sáng lập của Z/Yen Group, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, chuyên biên soạn Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu, cho biết. “Thành phố chịu nhiều áp lực nhất là Hồng Kông. New York có sự đa dạng về kinh tế hơn cả London. Nhưng New York lại quá nội địa hóa còn hoạt động kinh doanh ở London có xu hướng quốc tế hơn”.

Trong khi các trung tâm tài chính này vẫn duy trì được vị thế nhờ việc liên tục làm mới mình - vào giữa thế kỷ 20, New York là nơi có cảng biển tấp nập nhất trên thế giới - một số nơi khác lại đang chìm dần. Ví dụ tại Florence, Ý, nơi sinh ra thời Phục hưng và cả ngành ngân hàng hiện đại, những dấu hiệu gần đây cho thấy sự phân tán các công việc tài chính và chuyên môn ngày càng nhanh, đặc biệt là vì các công việc văn phòng toàn thời gian đang dần biến mất.

Các nhà tuyển dụng mong đợi nhân viên sẽ làm việc tại nhà trung bình hai ngày mỗi tuần, theo một cuộc khảo sát vào tháng này của Barclays Plc. Theo báo cáo, “cuộc cách mạng làm việc từ xa” dẫn đến “giảm 10% đến 20% cơ cấu” về nhu cầu văn phòng, trong đó Anh là nước dễ bị tổn thương nhất.

Theo dữ liệu của Real Capital Analytics và Savills Plc, thị phần đầu tư vào bất động sản của London trong số các thành phố lớn nhất châu Âu từ tháng 9 năm nay đã giảm hơn một nửa, so với mức đỉnh là khoảng 40% vào thời điểm một năm trước cuộc trưng cầu Brexit năm 2016. Ngược lại, Paris, Berlin và Frankfurt đều thu hút được tỷ trọng đầu tư lớn hơn.

Khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit tiến tới hạn chót là ngày 31/12, đánh dấu sự đổ vỡ cuối cùng giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu, Goldman Sachs và JPMorgan Chase & Co. cho biết hơn 300 nhân viên của họ sẽ chuyển đến các thành phố tại châu Âu. Đồng thời, Goldman đang chuyển khối tài sản trị giá 60 tỷ USD và JPMorgan chuyển khoảng 230 tỷ USD sang thành phố Frankfurt, Đức.

Công ty tư vấn EY cho biết trong một báo cáo vào tháng trước rằng, chỉ có 10% các công ty dịch vụ tài chính lớn đang có kế hoạch thành lập hoặc mở rộng hoạt động ở Anh trong năm tới, do những bất ổn của Brexit và đại dịch Covid-19. Con số này giảm so với mức 45% vào tháng 4 và báo hiệu tình hình xấu đối với Vương quốc Anh, nơi ngành tài chính sử dụng hơn 1 triệu lao động và chiếm khoảng 7% nền kinh tế và 1/10 tổng doanh thu từ thuế.

Tuy vậy, cho đến nay, rất ít người dám đưa ra kết luận về việc giới tài chính rời bỏ London hoặc bất kỳ trung tâm tài chính nào khác trên thế giới, do sự kết hợp khó bắt chước giữa các yếu tố nhân sự, nguồn lực và dịch vụ tại các thành phố này.

Tim Skeet, một nhân viên ngân hàng đã làm việc tại London gần 40 năm và cố vấn cho Hiệp hội Thị trường Vốn quốc tế cho biết: “Chúng tôi sẽ vẫn cần các trung tâm này, vì sự gần gũi và liên lạc cá nhân có ý nghĩa rất lớn. Sự tập trung của chất xám và sức mạnh tài chính rất hữu ích cho các doanh nghiệp cao cấp và dựa vào con người mà chúng tôi đại diện.”

Trong khi đó, “New York đang chứng kiến ​​sự cạnh tranh vị thế tài chính từ các thành phố trong nước. Dallas; Atlanta; Nashville, Tennessee; và Charlotte và Raleigh, Bắc Carolina, là những thành phố thu hút các công ty muốn rời khỏi ngôi nhà của Phố Wall”, Mark Williams, chuyên gia tư vấn cho các công ty về quy hoạch văn phòng và là chủ tịch của Strategic Development Group, cho biết.

Số việc làm trong ngành chứng khoán đã giảm khoảng 7% ở New York kể từ năm 2000, trong khi tăng hơn 5% ở cả nước Mỹ, theo số liệu của Bộ Lao động.

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến ​​một cuộc di cư ồ ạt từ New York hay Chicago, nhưng chúng ta sẽ ngày càng thấy nhiều hơn những điều này”, Williams nói.

Goldman Sachs đang xem xét phát triển cơ sở quản lý tài sản của mình ở Florida, nơi tự hào không có thuế thu nhập và khí hậu ôn hòa, bất chấp mùa bão. Trong khi đó, Elliott Management Corp. có kế hoạch chuyển trụ sở chính đến West Palm Beach từ khu trung tâm Manhattan.

Các tập đoàn đầu tư khác, chẳng hạn như Blackstone Group Inc. và Ken Griffin's Citadel, đã tăng cường sự hiện diện của họ tại Florida, và Giám đốc điều hành của Moelis là Ken Moelis cho biết rằng công ty của ông sẽ hỗ trợ các chủ ngân hàng chuyển đến Florida và sẽ xem xét mở mới hoặc mở rộng văn phòng bên ngoài New York khi nhân viên chuyển đi.

Trong khi Trung Quốc đã xử lý Covid-19 tốt hơn - và tàn nhẫn hơn - so với Mỹ và Anh, thì Hồng Kông cũng có những vấn đề của riêng mình. Thuộc địa cũ của Anh bị kẹt giữa các ưu tiên thay đổi của Bắc Kinh và các thị trường tự do mới tại Trung Quốc.

Benjamin Quinlan, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược Quinlan & Associates tại thành phố này cho biết: “Các tổ chức tài chính ở Hồng Kông đang rơi vào một tình huống khó khăn. Tuy nhiên, có khả năng họ sẽ tập trung ngày càng nhiều hơn vào việc hội nhập với đại lục, tận dụng câu chuyện tăng trưởng kinh tế vĩ mô mạnh mẽ hơn của Trung Quốc”.

Một cuộc đàn áp của Bắc Kinh trong năm nay đối với các nhà lãnh đạo và tổ chức dân chủ - động thái nhằm phản ứng với các cuộc biểu tình năm 2019 khiến thành phố gần như đóng cửa - đang khiến các công ty tài chính như HSBC Holdings Plc rơi vào tình thế ràng buộc. Chỉ trong tuần này, ngân hàng có trụ sở tại London đã bị chỉ trích vì đóng băng tài khoản của một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ trước đây và một nhà thờ địa phương đã giúp đỡ những người biểu tình.

Giá bất động sản văn phòng ở khu vực trung tâm của thành phố đã giảm gần 27% trong quý thứ ba kể từ đầu năm, dữ liệu từ CBRE Group Inc. cho thấy. Tỷ lệ văn phòng bỏ trống cũng ở mức kỷ lục tại các khu vực đắc địa, với tỷ lệ 6,9% ở vùng trung tâm vào tháng 10, theo Colliers International Group Inc.

Vị thế của Hồng Kông cũng đang bị giảm sút bởi sự ưu tiên của Trung Quốc với Thượng Hải. Các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng đã bùng nổ ở cả Thượng Hải và Thâm Quyến, và các ngân hàng tại Hồng Kông đang nhanh chóng đánh mất vị thế bởi các đối thủ từ Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, hiện tại Hồng Kông vẫn là trung tâm tài chính của khu vực và chúng ta cũng không thể bỏ qua độ bền bỉ của các trung tâm toàn cầu khác.

Tony Travers, giáo sư nghiên cứu về các chính phủ tại Trường Kinh tế London, cho biết: “London đã phải đối mặt với xâm lược, hỏa hoạn, dịch hạch, dịch tả và các cuộc chiến tranh thế giới trong nhiều thế kỷ, và vẫn luôn hồi phục. Những trung tâm này đều sẽ phục hồi, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu sẽ mất sáu tháng, sáu năm, hay 25 năm”.

Lam Vy (Bloomberg)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.