07/12/2020 9:50 AM
Đồng USD hiện đang dao động quanh mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018 khi các nhà đầu tư tiếp tục quay trở lại vào các tài sản rủi ro hơn và các nhà phân tích kỳ vọng sự suy yếu này của đồng USD sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2021.

Ảnh Internet

Tính đến chiều thứ Sáu (4/12) ở châu Âu, chỉ số Dollar Index (DXY) đang giao dịch ở mức khoảng 90,68, giảm khoảng 6% so với đầu năm mặc dù trước đó đã tăng lên trên mốc 102 vào tháng 3 khi đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro.

Tuy nhiên, một loạt các thử nghiệm vắc xin thành công đã tạo ra tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán và các loại tài sản rủi ro khác trong tháng 11 vừa qua khiến đồng USD trượt giá so với hầu hết các loại tiền tệ trong nhóm G10.

Cả đồng euro và đồng bảng Anh đều đạt mức cao nhất trong hai năm so với đồng USD vào thứ Năm (3/12), trong khi đồng franc Thụy Sĩ đạt mức cao nhất gần 6 năm.

Sự kết hợp giữa sự tiến bộ của vắc xin, chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ, gói viện trợ Covid-19 được kỳ vọng từ Washington và cam kết của Cục Dự trữ Liên bang trong việc duy trì lập trường chính sách tiền tệ thích ứng chưa từng có đã tạo ra kỳ vọng về sự tái sản xuất vào năm 2021. Những yếu tố này đã khiến các nhà phân tích dự báo suy giảm hơn nữa cho đồng USD.

Nhà kinh tế trưởng Carsten Brzeski của ING cho biết trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Năm (3/12) rằng: “Chúng tôi dự báo đồng USD sẽ giảm thêm từ 5 - 10% cho đến năm 2021 khi Fed cho phép nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng”.

Brzeski nhấn mạnh rằng, những đồng tiền chiến thắng lớn cho đến nay là các loại tiền có hệ số beta cao và biến động mạnh bao gồm đồng tiền krone Na Uy, đô la New Zealand và đồng real Brazil.

Đồng USD yếu hơn, chứng khoán sẽ mạnh hơn

Theo Jonas Goltermann, nhà kinh tế học thị trường của Capital Economics cho biết, mặc dù sự suy giảm của đồng USD và sự phục hồi của thị trường chứng khoán có thể sẽ chậm lại từ bây giờ, nhưng mối quan hệ ngược chiều mạnh mẽ của chúng có khả năng được giữ vững.

“Những chuyển động tương đối của tháng qua phù hợp với mối tương quan giữa giá chứng khoán và đồng USD được quan sát trong năm nay, xung quanh mức mạnh nhất kể từ thời kỳ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”, Goltermann cho biết trong một ghi chú hôm thứ Năm (3/12).

“Chúng tôi cho rằng bối cảnh tương tự của chính sách phù hợp của Fed và nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi sẽ duy trì mối liên hệ chặt chẽ này giữa đồng USD yếu hơn và giá cổ phiếu cao hơn”, ông cho biết.

Ông cũng lưu ý rằng sự thay đổi khẩu vị rủi ro ngày càng trở nên gắn liền với hiệu suất của đồng USD kể từ khi đại dịch bùng phát, với lãi suất và lợi suất trái phiếu chính phủ tương đối ổn định ở mức thấp trên hầu hết thế giới, một xu hướng tương tự như trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính.

Goltermann cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng lãi suất chính sách và lợi suất trái phiếu chính phủ trên khắp thế giới một lần nữa sẽ được duy trì tốt trong ít nhất một vài năm và có thể lâu hơn nữa. Vì vậy, bất kể vắc xin được tung ra nhanh chóng như thế nào, chúng tôi kỳ vọng khẩu vị rủi ro gia tăng vẫn là động lực chính làm suy giảm đồng USD”.

Hạc Hiên (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.