28/08/2021 3:34 PM
Trong khi chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thay đổi lập trường, các động thái gần đây của một loạt các ngân hàng trung ương khác báo hiệu những ngày lãi suất thấp sẽ sớm chấm dứt, ngay cả khi Covid-19 tiếp tục cản trở sự phục hồi kinh tế trên khắp thế giới.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hôm thứ Năm đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm để giảm thiểu rủi ro tài chính đang gia tăng do nợ hộ gia đình tăng cao, trở thành cơ quan tiền tệ lớn đầu tiên ở châu Á tăng lãi suất kể từ khi Covid-19 lan rộng trên toàn cầu 18 tháng trước.

Trước khi Hàn Quốc tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương ở Mỹ Latinh, Đông và Trung Âu đã bắt đầu nâng lãi suất trong năm nay để đẩy lùi lạm phát đang tăng do biến động tiền tệ, tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu lao động trong khu vực.

Các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn hơn cũng đang vào cuộc. Ngân hàng Canada đã cắt giảm việc mua trái phiếu và có thể tiến hành tăng chi phí đi vay vào năm 2022. Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) dự kiến ​​sẽ nâng lãi suất vào cuối năm nay, bất chấp kế hoạch thực hiện bị hoãn vào tuần trước do phải phong tỏa khẩn cấp vì có ca nhiễm Covid-19.

Về phần mình, FED đang giảm dần mức 120 tỷ đô la cho việc mua tài sản hàng tháng, có thể ra thông báo chính thức sớm nhất là vào tháng tới. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất thực tế của Hoa Kỳ có thể diễn ra vào một năm sau hoặc hơn.

Năm ngoái, dưới 11 triệu việc làm tại Hoa Kỳ, từng bị mất do phải ngừng hoạt động khi Covid-19 hoành hành vào mùa xuân năm 2020, đã được phục hồi và lạm phát bằng một nửa mốc 2% mà FED đặt ra. Tại thời điểm đó, triển vọng bên ngoài nước Mỹ cũng ảm đạm không kém khi nhiều quốc gia vẫn phải phong tỏa.

Nền kinh tế Mỹ đã phục hồi được sản lượng bị mất vào năm nay, khoảng 9 triệu việc làm đã được lấy lại và lạm phát cao hơn mục tiêu. Nhiều nền kinh tế khác trên thế giới đang trở lại mức tăng trưởng bình thường, mặc dù không đồng đều do biến chủng Delta dễ lây lan và khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa cục bộ.

Tại Hàn Quốc, kinh tế tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm trước trong quý thứ hai, tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ, nhưng những người trẻ tuổi đang chìm vào nợ nần và lo ngại về ổn định tài chính. Ngành sản xuất vốn dựa vào xuất khẩu của Hàn Quốc tiếp tục mở rộng trong tháng thứ mười liên tiếp vào tháng 07/2021, khi biến thể Delta giảm sản lượng của các đối thủ như Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia.

Sự phục hồi của khu vực Trung Âu cũng tăng tốc trong quý thứ hai khi tình trạng phong tỏa giảm bớt. Sự cải thiện - cùng với sự gia tăng lạm phát - đã thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Séc tăng lãi suất hai lần trong mùa hè này và Ngân hàng Trung ương Hungary thực hiện lần tăng thứ ba vào ngày 24 tháng 8. Cả hai quốc gia dự kiến ​​sẽ thắt chặt hơn nữa và các quan chức Séc đang cân nhắc xem có cần tăng lãi suất tiêu chuẩn thêm hay không.

Trong khi những động lực đầu tiên đến từ các thị trường mới nổi, nơi lạm phát thường trở nên trầm trọng hơn do thị trường tiền tệ thay đổi, việc thắt chặt cũng đang bắt đầu tại các nền kinh tế hàng đầu.

RBNZ đã chọn không tăng lãi suất vào tuần trước khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện sau 6 tháng yên bình, buộc chính phủ phải tiến hàng phong tỏa. Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng trung ương New Zealand dường như quyết tâm sẽ tăng lãi suất trước cuối năm.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương của Na Uy cho biết sẽ không thay đổi kế hoạch nâng lãi suất vào tháng tới bất chấp số lượng các ca lây nhiễm Covid-19 vẫn tăng, đưa ngân hàng này trở thành ngân hàng đầu tiên trong Nhóm 10 nền kinh tế phát triển (G10) tăng chi phí vay.

“Theo đánh giá hiện tại về triển vọng và cân bằng rủi ro, lãi suất điều hành rất có thể sẽ được nâng lên vào tháng 9”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Na Uy, Oeystein Olsen cho biết trong một tuyên bố vào tuần trước.

Lam Vy (Reuters)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.