Theo đó, đến năm 2030 tỉnh Quảng Bình có 16 đô thị. Trong đó, có 01 đô thị loại II là thành phố Đồng Hới; 01 đô thị loại III là Ba Đồn; 02 đô thị loại IV là Hoàn Lão mở rộng, Kiến Giang mở rộng; 12 đô thị loại V, gồm 06 đô thị hiện có (Đồng Lê, Phong Nha, Quán Hàu, Quy Đạt, Nông Trường Việt Trung, Nông Trường Lệ Ninh) và 06 đô thị xây dựng mới (đô thị Hòn La, Quảng Phương, Dinh Mười, Tiến Hóa, Cha Lo và Phúc Trạch).
Đồng Hới là thành phố tỉnh lỵ - trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật đồng thời là trung tâm logistics, giao thông năng động của tỉnh Quảng Bình.
Hé lộ định hướng phát triển đô thị Đồng Hới
Báo cáo tóm tắt chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 –2030 cho biết, Đồng Hới là thành phố tỉnh lỵ - trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật đồng thời là trung tâm logistics, giao thông năng động của tỉnh Quảng Bình.
Hướng phát triển thành phố Đồng Hới trở thành đô thị có ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp phát triển mạnh.
Báo cáo tóm tắt chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 – 2030 đã cho biết hướng phát triển không gian đô thị Đồng Hới.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, thống nhất quản lý không gian đô thị Đồng Hới với vùng phụ cận bao gồm: thị trấn Quán Hàu, xã Lương Ninh, xã Vĩnh Ninh của huyện Quảng Ninh; xã Lý Trạch, Nhân Trạch, Nam Trạch của huyện Bố Trạch.
Tại đô thị Đồng Hới, hình thành các trục nối kết không gian Đông Tây thông qua các trục giao thông chính đô thị và các trục giao thông dự kiến mới; liên kết các không gian du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng ven biển với các cụm đô thị công nghiệp, du lịch sinh thái phía Tây thành phố thông qua đô thị trung tâm hiện hữu, đồng thời hình thành các mối liên kết không gian với các khu vực nông thôn phía Tây thành phố.
Song song với đó, hình thành các trục liên kết không gian Bắc Nam thông qua các trục đường giao thông đối ngoại quan trọng như đường Hồ Chí Minh, đường Quốc lộ 1 và đường tránh Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Các trục này liên kết các không gian đô thị công nghiệp, dịch vụ hàng không với không gian đô thị công nghiệp và đô thị du lịch sinh thái ven biển thông qua đô thị trung tâm.
Tại đô thị Đồng Hới sẽ hình thành các khu vực không gian đô thị: Khu vực đô thị trung tâm, khu vực đô thị mới mở rộng, khu vực đô thị hiện hữu, khu vực làng xã hiện hữu, khu vực đô thị công nghiệp, khu vực dự kiến phát triển, khu vực du lịch nghỉ dưỡng, khu vực nông nghiệp sinh thái, khu vực bảo tồn thiên nhiên.
Phát triển dải bờ biển cho các khu nghỉ dưỡng dành cho du khách và xây dựng các khu phố đi bộ dọc bờ sông Cầu Rào nằm giữa phường Đồng Hải và Hải Thành, dọc theo sông Nhật Lệ từ cầu Hải Thành đến Cầu Dài.
Lấy trục không gian mở thông qua trục chính là dòng sông Nhật Lệ, Sông Lũy là điểm nhấn, hình thành các trục không gian mở liên kết các hạt nhân đô thị với không gian công viên ven sông Nhật Lệ, Công viên Hồ Bàu Tró, Công viên Biển Hải thành Quang Phú. Đồng thời khai thác mạnh các trục xanh liên kết các khu vực sinh thái biển và sinh thái núi (Không gian cây xanh mặt nước Hồ khe Duyên - Kênh Cầu Tây; không gian cây xanh mặt nước sông Mỹ Cương,...).
Báo cáo tóm tắt chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 – 2030 cũng cho biết quy mô khu vực định hướng phát triển đô thị Đồng Hới.
Cụ thể, định hướng phát triển khu trung tâm du lịch kết hợp đô thị mới đến năm 2030 tại khu vực phía Nam xã Nhân Trạch, phần ranh giới tiếp giáp phía Bắc sân bay Đồng Hới đến biển với quy mô 400ha.
Định hướng phát triển khu trung tâm du lịch đến năm 2030 tại khu vực xã Bảo Ninh, bao gồm toàn bộ diện tích phía Đông đường Võ Nguyên Giáp và một phần diện tích phía Tây đường Võ Nguyên Giáp với quy mô 740ha.
Định hướng phát triển khu đô thị mới tại xã Lý Trạch đến năm 2030, bao gồm các quỹ đất dọc theo 2 bên tuyến đường 48m kết nối sang xã Đại Trạch với quy mô 200ha. Định hướng phát triển khu đô thị mới tại xã Lương Ninh đến năm 2030, khu vực trải dài từ cầu Nhật Lệ 3 đến cầu Nhật Lệ 4 với quy mô 250ha.
Định hướng phát triển khu dịch vụ vận tải đến năm 2030, khu vực nút giao giữa đường nối cầu Nhật Lệ 2 kéo dài với 2 trục đường Hồ Chí Minh và đường Cao tốc Bắc Nam quy mô 250ha và phát triển trung tâm Logistics gắn liền khu công nghiệp khu vực phía Tây Bắc với quy mô 400 ha.
Đến năm 2030, tỉnh Quảng Bình có 16 đô thị.
Các đô thị khác được định hướng phát triển ra sao?
Báo cáo tóm tắt chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 – 2030 cho biết, đô thị Ba Đồn là thị xã trực thuộc tỉnh, đô thị trung tâm của tiểu vùng phía Bắc có vai trò quan trọng việc tạo tính kết nối vùng Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình; hành lang kinh tế Đông-Tây kết nối với các tỉnh Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến Quốc lộ 12A.
Đô thị Ba Đồn được định hướng sẽ là trung tâm Thương mại, dịch vụ, đặc biệt là du lịch và nuôi trồng thuỷ sản, đảm nhiệm chức năng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội của các huyện phía Bắc tỉnh. Sự phát triển của Khu kinh tế Hòn La sẽ kích thích sự tăng trưởng của khu vực phía Đông – Bắc tỉnh Quảng Bình.
Đô thị Quy Đạt (Huyện Minh Hóa) là thị trấn Huyện lỵ, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hoá huyện Minh Hoá.
Đô thị Đồng Lê (Huyện Tuyên Hóa) là thị trấn Huyện lỵ, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hoá. Đây là cực phát triển phía Tây Bắc của tỉnh.
Đô thị Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) là đô thị chuyên ngành, thương mại dịch vụ, công nghiệp, hỗ trợ Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, Khu kinh tế Hòn La.
Đô thị Hòn La (Quảng Phú, thuộc KKT Hòn La) là đô thị kinh tế tổng hợp, chuyên ngành, hỗ trợ cho đô thị động lực Đồng Hới; là đô thị có vị thế cấp vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình. Đây là trung tâm dịch vụ tổng hợp phục vụ công nghiệp và cảng biển Hòn La.
Đô thị Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) có tính chất, chức năng là huyện lỵ mới, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hoá huyện Quảng Trạch (tương lai).
Đô thị Hoàn Lão là trung tâm huyện lỵ của huyện Bố Trạch; là đô thị vệ tinh hỗ trợ cho thành phố Đồng Hới trong việc cung ứng các dịch vụ, thương mại, du lịch, kinh tế của khu vực động lực trung tâm.
Khu vực đô thị Hoàn Lão mở rộng (trong đó khu vực nội thị dự kiến bao gồm thị trấn Hoàn Lão và các xã: Đồng Trạch, Trung Trạch, Đức Trạch, Hải Trạch, Thanh Trạch).
Giai đoạn 2021 – 2030, tập trung xây dựng nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ của khu vực đô thị Hoàn Lão mở rộng và các xã lân cận làm tiền đề cho việc thành lập thị xã khi đủ các điều kiện cần thiết.
Đô thị Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch) có tính chất, chức năng đô thị là thị trấn Nông Trường.
Đô thị Phong Nha (huyện Bố Trạch) có tính chất, chức năng đô thị du lịch, thương mại, dịch vụ, là trung tâm của Khu du lịch cấp Quốc gia Vườn Quốc Gia phong Nha - Kẻ Bàng.
Đô thị Phong Nha cùng với thành Phố Đồng Hới là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Động lực phát triển đô thị là dịch vụ, du lịch.
Báo cáo tóm tắt chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 – 2030 cũng cho biết định hướng phát triển các đô thị khác tại tỉnh Quảng Bình như, đô thị Quán Hàu; đô thị Dinh Mười; đô thị Kiến Giang mở rộng;...
-
Quảng Bình tìm nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 81.000 m2 tại huyện Lệ Thủy
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình hiện đang mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Kiến Giang 1, huyện Lệ Thủy.
-
Danh sách 8 dự án nhà ở xã hội với hàng nghìn căn hộ đang được Quảng Bình kêu gọi đầu tư
UBND tỉnh Quảng Bình cho biết vừa có quyết định phê duyệt danh mục dự án nhà ở xã hội kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (đợt 1) với tổng số 8 dự án.
-
Quảng Bình lập quy hoạch chi tiết khu đô thị mới hơn 36 ha tại khu vực ven sông Lệ Kỳ
UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Quyết định số 3509/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Lương Ninh, huyện Quảng Ninh.
-
Hé lộ doanh nghiệp thực hiện dự án Khu đô thị Lộc Ninh tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình
UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Quyết định số 3503/QĐ-UBND về việc chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Lộc Ninh tại thành phố Đồng Hới.