09/02/2017 4:22 PM
2017 sẽ là năm TPHCM có nhiều dự án hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng nhất trong nhiều năm trở lại đây khi TP huy động mọi nguồn lực để làm 80 dự án giao thông với tổng vốn đầu tư 39.263 tỷ đồng. Hạ tầng bùng nổ sẽ là tiền đề tốt để các dự án BĐS tăng giá.
Ồ ạt khởi công
Một trong những dự án đầu tư để giải quyết điểm đen ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 22, cửa ngõ Tây Bắc của TP là nút giao thông An Sương đã được khởi công ngay trong những ngày đầu năm 2017. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng, dự kiến thi công trong vòng 27 tháng.
Dự án sẽ đầu tư xây dựng hầm chui 2 chiều, dài gần 1km từ hướng Củ Chi về trung tâm TP. Ngày 8-2, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cũng đã phát động lễ khởi công dự án cầu vượt nút giao thông Trường Sơn và nút giao thông Tân Sơn Nhất. Đây là 2 trong nhiều dự án sẽ được đầu tư xây dựng trong năm 2017 và những năm tiếp theo nhằm “giải cứu” tình trạng kẹt xe khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong 80 dự án thực hiện trong năm 2017, có 50 dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách TPHCM với số vốn 8.417 tỷ đồng; 3 dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách Trung ương với số vốn 9.253 tỷ đồng; 3 dự án sử dụng nguồn ODA với số vốn 9.440 tỷ đồng và 24 dự án được làm với hình thức hợp tác công tư (PPP) với số vốn 12.153 tỷ đồng.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải TPHCM, cho biết trong năm 2017 TP sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ và khởi công các công trình chống ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, giảm ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm TPHCM và các cửa ngõ, các dự án phát triển giao thông đường thủy nhằm giảm tải cho đường bộ.
Trước Tết Nguyên đán, một số dự án giao thông trọng điểm cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng như cầu vượt ngã tư Gò Mây và cầu vượt nút giao ngã 6 quận Gò Vấp để giảm ùn tắc ở 2 điểm nóng kẹt xe này. Hiện TP cũng xin chủ trương xây dựng các dự án khác như dự án đường Vành đai 4, đoạn từ Bến Lức, Long An đến đường trục Bắc-Nam, huyện Nhà Bè theo phương thức BOT với số vốn 6.273 tỷ đồng; dự án cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức xây dựng - chuyển giao với tổng vốn đầu tư khoảng 5.254 tỷ đồng…
Đặc biệt, dự án đường bộ trên cao số 1 với tổng vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng 18.000 tỷ đồng nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang được xem xét.
Lễ khởi công công trình xây dựng cầu vượt nút giao thông Trường Sơn và nút giao thông Tân Sơn Nhất. Ảnh: LONG THANH
Bất động sản đón đầu
Anh Nguyễn Lý, một người chuyên đầu tư BĐS khu vực Tây Bắc TP, cho biết sau hàng loạt chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về việc rà soát và xóa bỏ quy hoạch treo nhiều dự án tại Hóc Môn, Củ Chi cũng như đẩy nhanh một số dự án tại khu vực này, giá đất đã tăng từ 10-20% trong vòng vài tháng.
Nay dự án hầm chui An Sương được khởi công cũng như nhiều dự án hạ tầng giao thông khu vực Tây Bắc sẽ triển khai khiến giá đất khu vực này còn tăng nữa. Tại khu dân cư 10ha và 5,9ha phường Tân Thới Nhất (quận 12) - nơi đang xây dựng nhà điều hành dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, giá đất khu vực này đã tăng 100% so với cách đây 2 năm.
Anh Trung, một “cò” tại khu vực này, cho biết giá đất tăng vì nguồn cung ít, phần lớn người dân mua để ở, ít bán nên cung không đủ cầu. Ngoài ra, nhiều người kỳ vọng vào tuyến metro khi đi vào hoạt động cũng như vào dự án cải tạo rạch Bến Cát - Tham Lương đang được triển khai khi hoàn thành sẽ tạo nên một “Nhiêu Lộc” thứ hai. “Kinh nghiệm đầu tư BĐS là phải đi trước hạ tầng, khi hạ tầng rục rịch đầu tư thì mình mua, khi khởi động sẽ tăng khoảng 30%, hoàn thành tăng một khúc nữa. Nếu mua trước xa quá hoặc hạ tầng xong rồi đều không hiệu quả” - anh Trung chia sẻ kinh nghiệm.
Cách đây gần 2 năm, nghe tin rục rịch triển khai làm tuyến đường mới Nguyễn Lương Bằng nối dài đường Phạm Hữu Lầu xuyên qua Phú Mỹ Hưng (quận 7) xuống giáp ranh Nhà Bè, anh Sơn quyết định mua một khu đất gần 300m², nay giá bán chênh lệch gần 9 triệu đồng/m².
Giá đất tăng mạnh nhất thuộc về khu vực phía Đông TP (quận 2 và quận 9). Từ khi tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đưa vào vận hành đã đẩy giá đất tăng liên tiếp, đặc biệt là các tuyến đường có kết nối vào đường cao tốc. Cách đây chưa được 2 năm, mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, giá đất khoảng 15 triệu đồng/m2 nay đã leo lên trên 40 triệu đồng/m2.
Theo một môi giới nhà đất khu vực này, giá đất sẽ chưa dừng lại vì TP vừa cho phép xe máy đi trên đường cao tốc đến đường Vành đai 2, khi đó vào trung tâm nội đô chưa quá 10 phút chạy xe, cực kỳ thuận tiện. Cách đó một đoạn là đường cao tốc rẽ ra đường Vành đai 2, sau hơn 1 năm thông xe cầu Rạch Chiếc 2 xuyên khu công nghệ cao, giá đất cũng biến đổi mạnh. Dự án Hưng Phú, mặt tiền đường vượt 20 triệu đồng/m², nội bộ 18 triệu đồng/m², tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Không chỉ đất đai thuộc dự án tăng mạnh mà đất thuộc khu dân cư hiện hữu của quận 9 cũng tăng mạnh. Chị Thủy, khách hàng mua một lô đất 80m² tại phường Tăng Nhơn Phú A, cho biết chỉ trong vòng 3 tháng đã chốt lời gần 400 triệu đồng.
“Hạ tầng quận 2, quận 9 đã thay đổi chóng mặt, kéo theo đô thị nơi đây thay đổi từng ngày nên giá đất vọt tăng là điều rất dễ giải thích” - ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Hưng Thịnh, nhận xét.
Nhìn chung giá đất đều tăng diện rộng, đặc biệt những nơi dự án hạ tầng đi qua tăng mạnh nhất, trong khi đó giá căn hộ tăng không đáng kể. Tuy nhiên theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, giá đất tăng mạnh sẽ tiềm ẩn những rủi ro, vì có tăng sẽ có giảm, điều này đã được chứng minh nhiều lần trong các chu kỳ sốt đất.
Đỗ Trà Giang (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.