05/03/2018 4:11 PM
Những lớp bụi trắng từ 2 nhà máy ximăng Thăng Long và Hạ Long nằm trên địa bàn huyện Hoành Bồ phủ dày trên cây cối, nhà cửa của dân và các công sở tại khu vực phường Cao Xanh, Hà Khánh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu và đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu dù cả chủ đầu tư và các cơ quan liên quan nhiều lần cam kết xử lý.

Nhà máy ximăng Hạ Long trong một lần xả bụi mịt mù, mà theo các cơ quan chức năng là do nhà máy gặp sự cố. Ảnh: Ngô Sơn

Những ô cửa sổ không mở bao giờ

Khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh hình thành từ lâu, nằm bên bờ biển, nhưng đến nay phần lớn vẫn là đất trống với bạt ngàn lau sậy, một phần do người dân sợ đủ các nguồn ô nhiễm bụi tấn công. Đáng ngại nhất là ô nhiễm bụi phát ra từ 2 nhà máy ximăng nằm đối diện với khu đô thị và những hệ thống rót clinker của 2 nhà máy này nằm giữa vịnh Cửa Lục, cách cầu Bãi Cháy không xa.

Trước đó, dù có rất nhiều ý kiến góp ý bởi vị trí quá nhạy cảm với vịnh Hạ Long, nhưng 2 nhà máy vẫn được xây dựng. Trong đó, giai đoạn 1 của Nhà máy ximăng Thăng Long có công suất 1,8 triệu tấn ximăng và 900.000 tấn clinker/năm, đi vào hoạt động năm 2008 tại xã Lê Lợi; còn dây chuyền 1 của Nhà máy ximăng Hạ Long ở xã Thống Nhất, có công suất 1 triệu tấn clinker và 850.000 tấn ximăng/năm, chính thức cho sản phẩm vào năm 2010.

Do nằm đầu hướng gió, nên có những thời điểm, từ Hạ Long nhìn vào, Hoành Bồ mịt mờ trong bụi trắng bởi khói, bụi từ 2 nhà máy ximăng cùng các loại bụi ô nhiễm khác. Mỗi khi các hệ thống bốc rót clinker của 2 nhà máy trên hoạt động thì khu vực giữa vịnh Cửa Lục lại bụi trắng xóa.

Những ngôi nhà ở khu đô thị này, thậm chí ở ngay đường bao biển, hầu như không bao giờ mở cửa sổ bởi ngay cả khi cửa đóng, then cài, bụi trắng vẫn phủ kín rèm, bàn, tủ.

“Hôm nào đúng hướng gió, quần áo phơi trên sân thượng để quên một ngày là bụi trắng bám đầy. Không khí ở đây quá ô nhiễm. Thậm chí, không dám đi tập thể dục nữa” - anh Trần Văn Tuấn (phường Cao Xanh) cho biết.

Trụ sở của 2 cơ quan lớn: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng luôn ở trong tình trạng như vậy. Dẫu vậy, hành lang, cầu thang, tay vịn cầu thang bên trong tòa nhà luôn có một lớp bụi trắng dày. Theo một số cán bộ, nhân viên 2 đơn vị này, xe ôtô mới rửa sạch nhưng chỉ để ngoài sân cơ quan vài tiếng là cơ bản đổi sang màu trắng nhờ.

“Phòng làm việc luôn đóng kín và ngày lau chùi 2 lần, nhưng lúc nào cũng có bụi trắng. Anh chị em trong cơ quan thường xuyên bị ho, không biết có phải do bụi ximăng không?” - một nhân viên Viện KSND tỉnh Quảng Ninh cho hay.

Anh T.V.C, vừa từ Hà Nội xuống nhận nhiệm vụ tại Hạ Long, phát hoảng khi trong phòng làm việc, phòng ngủ rất kín nhưng chạm vào đâu cũng thấy bụi trắng. Anh đang tính sẽ thuê căn hộ ở nơi khác để tối về ở, còn ban ngày chỉ đến trụ sở chi nhánh để làm việc.

Năm 2016, bụi ximăng, clinker từ 2 nhà máy ximăng trên là một trong những nguyên nhân khiến các nhà nhập khẩu xe ôtô dưới 19 chỗ đồng loạt rút khỏi cảng Cái Lân để chuyển sang Hải Phòng. Có thời điểm, chỉ trong nửa năm, cảng Cái Lân thu về gần 3.200 tỉ đồng từ thuế nhập khẩu xe ôtô. Theo các nhà nhập khẩu xe, bụi ximăng, clinker khi gặp mưa làm hỏng màu sơn của xe.

Ô nhiễm vẫn ở ngưỡng cho phép?

Trước những nguy cơ ô nhiễm và chủ trương thay đổi chiến lược phát triển từ “nâu” sang “xanh”, từ năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đề nghị dừng việc mở rộng giai đoạn 2 của hai nhà máy trên và tiến tới chấm dứt hoạt động các dây chuyền tại vị trí hiện nay vào năm 2030.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh - cho biết, mới đây, tỉnh Quảng Ninh có công văn đề nghị Bộ Xây dựng di chuyển các vị trí thực hiện giai đoạn 2 của 2 nhà máy trên về khu vực phía bắc đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái.

“Với dây chuyền hiện tại, sẽ phải nâng cấp công nghệ, máy móc để cải thiện về điều kiện môi trường và duy trì cho đến hết chu kỳ sản xuất vào khoảng năm 2030. Sau thời điểm này, sẽ xem xét để đóng cửa hoặc di chuyển đi nơi khác” - ông Tuấn cho biết.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, tại Nhà máy ximăng Hạ Long và Thăng Long đều có đặt thiết bị quan trắc môi trường và được kết nối về hệ thống máy chủ của sở này để theo dõi, giám sát liên tục. Về cơ bản, các thông số về môi trường liên quan đến 2 nhà máy trên đều trong ngưỡng cho phép, bất chấp những gì dư luận, người dân “nhìn thấy và sờ thấy” là quá kinh khủng.

Chia sẻ với Lao Động, một số người dân đã có ý tưởng mời một đơn vị độc lập vào đo mức độ ô nhiễm thật của bụi ximăng, clinker cũng như những tác hại đối với sức khỏe con người.

Những cam kết của lãnh đạo các đơn vị quản lý 2 nhà máy về việc đảm bảo môi trường thực hiện được đến đâu thì chỉ cần đứng trên cầu Bãi Cháy nhìn về phía Hoành Bồ phần nào có thể cảm nhận được.

Dụng cụ đo mức độ ô nhiễm chính là sự ngột ngạt của không khí mà người dân phải gánh chịu, là những lớp bụi trắng phủ từ trong nhà ra tới ngoài sân, cây cối, xe cộ. Đó cũng là một trong những lý do chính khiến khu đô thị lấn biển Cao Xanh - Hà Khánh rộng hàng trăm hécta thưa thớt dân cư, dù giá đất rẻ bất ngờ.

Với tình trạng này, theo những người dân ở đây, chỉ khi nào hai nhà máy ximăng dừng hoạt động thì mới hết ô nhiễm bụi ximăng và clinker. Dẫu vậy, khi đó, ở đầu nguồn sông Cửa Lục đổ về vịnh Hạ Long vẫn sẽ còn 2 nhà máy nhiệt điện cỡ lớn, trong đó có Nhà máy nhiệt điện Thăng Long, công suất 600MW, của chính đơn vị sở hữu Nhà máy ximăng Thăng Long, đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Nguyễn Hùng (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.