Các ngân hàng của Việt Nam sẽ đối diện với những thách thức về chất lượng tài sản, lợi nhuận thấp và năng lực về vốn yếu. Do đó, S&P đã nhấn mạnh về sự cần thiết và mức độ quan trọng của các cải cách trong lĩnh vực ngân hàng đối với sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam, mặc dù quá trình này còn cần nhiều thời gian.
Thanh khoản của các ngân hàng vẫn được dự báo ổn định trong năm 2014
Tín dụng kỳ vọng ở ngân hàng lớn
Theo S&P, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2014 có thể đạt mức 5,5%, cao hơn so với mức 5,4% của năm 2013. Kinh tế Việt Nam đã tránh được những tác động của việc bán tháo cổ phiếu ở các nền kinh tế mới nổi vào năm ngoái, chủ yếu do thặng dư thương mại lớn và thu hút được đáng kể lượng vốn FDI.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ sự sụt giảm của nhu cầu toàn cầu, nhất là từ khu vực Liên minh châu Âu và Trung Quốc.
Tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 được dự báo tăng thấp ở mức 2 con số và cũng ở mức thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân trong giai đoạn 2005-2010. S&P kỳ vọng các ngân hàng lớn sẽ nỗ lực để đạt được mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân của Ngành trong năm 2014.
Lợi nhuận ngân hàng năm 2014 vẫn thấp
Lợi nhuận của các ngân hàng sẽ vẫn ở mức thấp với hệ số ROA được dự báo ở mức 0,8%-1% trong năm 2014 với các lý do sau: Lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực cho vay ưu tiên khiến chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vốn đã bị thu hẹp đáng kể;
Tỷ lệ cho vay/vốn huy động đã bị sụt giảm; Dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu trong năm 2014 có thể tăng cao vì tăng trưởng kinh tế dự kiến vẫn ở mức khiêm tốn và nhiều khoản nợ xấu chưa được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.
Thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam vẫn được dự báo ổn định trong năm 2014. Tuy nhiên, khả năng huy động vốn vẫn dễ chịu ảnh hưởng từ các mối lo ngại liên quan đến vấn đề quản trị ngân hàng và sự lành mạnh của chính khu vực ngân hàng. Bên cạnh đó, những khách hàng gửi tiền có xu hướng lựa chọn các hình thức đầu tư như các tài sản định giá bằng USD, bất động sản và vàng trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát tăng cao hơn lãi suất tiền gửi.
Cải cách đóng vai trò then chốt
Mặc dù số lượng ngân hàng ở Việt Nam đã giảm xuống nhưng S&P cho rằng, hoạt động kinh doanh của khu vực ngân hàng vẫn đối mặt với nhiều thách thức và quá trình hợp nhất mới chỉ diễn ra ở một số ngân hàng quy mô nhỏ. Theo S&P, những ngân hàng lớn hạn chế việc hợp nhất vì không chắc chắn về chất lượng tài sản của những đối tác tiềm năng, do sự thiếu sự minh bạch về số liệu báo cáo. Thêm vào đó, tình trạng sở hữu chéo diễn ra khá phổ biến.
Chính sách hạn chế quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngân hàng Việt Nam làm giảm cơ hội cho các ngân hàng trong nước đẩy nhanh quá trình củng cố năng lực tài chính, đổi mới năng lực quản trị, điều hành. Theo quy định, một nhà đầu tư trong nước không được phép sở hữu quá 20% cổ phần trong một ngân hàng Việt Nam và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không được phép vượt quá 30% trong một ngân hàng.
Hiện nay, có một số ngân hàng nước ngoài đang nắm thiểu số cổ phần trong các ngân hàng Việt Nam và lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là của các ngân hàng Nhật Bản, đang ở mức cao. Sự thay đổi mới đây theo hướng nâng cao tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngân hàng Việt Nam trong một số trường hợp đặc biệt được S&P đánh giá là bước đi ban đầu tích cực của Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM.
Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, S&P cho rằng, trong năm 2014 tỷ lệ mua về nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ tăng lên 2-4% từ mức 1% tính đến cuối năm 2013. Tuy nhiên, tiến trình xử lý nợ xấu được nhận định là còn chậm chạp. Bên cạnh đó, S&P kỳ vọng một số quy định mới liên quan đến phân loại và xử lý nợ xấu sẽ được thực hiện trong năm 2014.
Ba nội dung quyết định mức xếp hạng ngân hàng
S&P cho rằng, các ngân hàng của Việt Nam tiếp tục đối diện với những thách thức về chất lượng tài sản có, lợi nhuận thấp và năng lực về vốn còn yếu trong vòng 12 tháng tới. Đây là những yếu tố có thể làm giảm mức xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng, nếu không được cải thiện.
S&P đã nhấn mạnh sự cần thiết và mức độ quan trọng của các cải cách trong lĩnh vực ngân hàng đối với sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam nói chung và nâng cao sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng. Khả năng tăng vốn thực của các ngân hàng được cải thiện sẽ nâng cao mức xếp hạng tín nhiệm của S&P đối với các ngân hàng của Việt Nam.
Như vậy, ba nội dung quan trọng quyết định mức xếp hạng của ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới gồm: tái cấu trúc ngân hàng, chất lượng tài sản và khả năng tăng vốn.