Tỷ lệ lạm phát toàn cầu năm 2013 rơi vào khoảng 2,8%, thấp thứ 2 kể từ thế chiến II. Nguồn: internet
Giảm phát: xấu hơn tưởng tượng
Tương tự như lạm phát, giảm phát cũng được tính thông qua mức tăng/giảm tương đối của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính bằng % trong một khoảng thời gian nhất định. Khi lạm tỷ lệ phát giảm xuống dưới 0% và có sự giảm mức giá chung thì có nghĩa nền kinh tế đang trong tình trạng giảm phát.
Giảm phát cũng đồng nghĩa là đồng nội tệ sẽ có giá trị hơn và việc nắm giữ tiền mặt trở nên phổ biến. Tuy nhiên, đôi khi việc đồng nội tệ tăng giá lại dẫn đến những vấn đề khác còn trầm trọng hơn cả lạm phát.
Có một sự khác biệt quan trọng giữa giảm phát tốt và giảm phát xấu. Giảm phát tốt là kết quả của công nghệ mới giúp tăng năng suất và sản lượng khi nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Kết quả là cung đã tăng nhanh chóng so với cầu. Còn giảm phát xấu bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính và suy thoái trầm trọng, làm tăng thất nghiệp và làm giảm khả năng mua sắm thấp hơn mức độ cung cấp.
Khi giảm phát diễn ra, giá cả giảm và đồng tiền có giá hơn, nhà đầu tư sẽ muốn giữ nhiều tiền mặt và tiêu xài ít hơn. Điều này tạo một cú sốc cho nền kinh tế vì thiếu vốn luân chuyển và các doanh nghiệp (DN) khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay. Việc giảm giá, nếu tồn tại, sẽ tạo ra một vòng xoáy xấu dẫn đến giảm lợi nhuận, đóng cửa các nhà máy, thất nghiệp gia tăng, giảm thu nhập và làm tăng việc vỡ nợ từ các khoản vay của công ty và cá nhân…
Nhật Bản quá sợ giảm phát
Giảm phát là thuật ngữ đã quá quen thuộc ở Nhật Bản. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, sự yếu kém của hệ thống tài chính này đã dẫn tới tình trạng giảm phát khiến cho kinh tế không tăng trưởng, nhập khẩu và thặng dư thương mại giảm mạnh. Tất cả những yếu tố trên đã khiến cho đồng yên bị định giá cao trong 2 thập kỷ qua. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng giảm giá mạnh. Năm 1990, chỉ số Nikkei 225 ở mức 40.000 điểm nhưng đã trượt giảm triền miên và đến năm 2013 (sau khi tăng tới 57% trong năm) thì mới chỉ ở ngưỡng 16,300 điểm.
Trong thời gian này, các ngân hàng của Nhật Bản quá yếu để có thể xóa các khoản nợ xấu và chịu lỗ. Điều này ngăn cản các ngân hàng cung cấp nguồn tín dụng mới cho nền kinh tế. Nhật Bản chỉ thoát khỏi tình trạng bế tắc này khi Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra kế hoạch cải cách kinh tế, được biết đến là Abenomics. Các chính sách liên quan đến việc nới lỏng các gói kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu đã được đưa ra nhằm cứu vãn nền kinh tế suy giảm của Nhật Bản và chấm dứt 15 năm giảm phát liên tục (Chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản đã bắt đầu tăng từ giữa năm 2013 và lên đến mức 1,2% trong tháng 11/2013).
Châu Âu lo ngại
Nhật Bản đã đỡ lo về giảm phát nhưng lạm phát giảm ngày càng thể hiện rõ tại khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cú sốc thật sự bắt đầu khi số liệu lạm phát tháng 10/2013 được Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại khu vực này đã giảm xuống còn 0,7% trong tháng 10 (mức thấp nhất 4 năm qua), tức là chưa bằng một nửa tỷ lệ lạm phát mục tiêu 2%.
Tỷ lệ lạm phát tại Eurozone và EU (%)
Nguồn: EUROSTAT
Nguy hiểm hơn, tình trạng giảm lạm phát gần như không thay đổi ngay cả khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã duy trì mức lãi suất siêu thấp 0,5% kể từ đầu tháng 5/2013. Trên lý thuyết, lẽ ra lạm phát phải tăng theo hiệu ứng lãi suất nhưng thực tế thì ngược lại, tỷ lệ lạm phát vẫn hướng xuống mốc 0%. Vào ngày 7/11/2013, ECB phải tiếp tục hạ 25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, theo Eurostat, trong tháng 11/2013, tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng euro (Eurozone) chỉ lên được mức 0,9% trong tháng 11/2013 rồi lại giảm xuống còn 0,8% trong tháng 12/2013.
Khu vực eurozone đã phải gánh chịu hai cuộc suy thoái kinh tế kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu nổ ra vào năm 2007. Thời kỳ suy thoái thứ hai kéo dài 6 quý liên tiếp cho tới năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp toàn khu vực vẫn ở mức kỷ lục 12,2% cuối năm 2013 và dự kiến tăng trưởng khu vực chỉ đạt 1,1% trong năm 2014.
ECB vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để tránh nguy cơ lăn theo vết xe đổ của Nhật Bản. Tuy nhiên, cái khó là các giải pháp đưa ra đều gặp rào cản nhất định. Chủ tịch ECB Mario Draghi đề xuất thu phí các ngân hàng để giữ tiền mặt tại ECB và cho biết ECB đã sẵn sàng giảm lãi suất xuống dưới 0% nếu nguy cơ khu vực eurozone rơi vào tình trạng giảm phát tăng lên. Tuy nhiên, các cộng sự của ông cảnh báo mức lãi suất huy động âm có thể làm tổn thương lợi nhuận ngân hàng, khiến các ngân hàng ngần ngại cho vay…
Các nước cần cảnh giác
Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì quá trình giảm lạm phát đang lan trên toàn thế giới. Tỷ lệ lạm phát toàn cầu năm 2013 rơi vào khoảng 2,8%, theo Bruce Kasman, kinh tế trưởng của JP Morgan Chase. Đây là con số thấp thứ 2 kể từ thế chiến II.
Trong thời gian qua, các nhà hoạch định chính sách đã cắt giảm lãi suất và mua trái phiếu, 2/3 ba số các ngân hàng trung ương đặt lạm phát mục tiêu. Tuy nhiên, theo quan sát của Morgan Stanley, lạm phát vẫn thấp hơn mục tiêu đặt ra.
Tại Anh, lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, lạm phát đã giảm xuống mức 2% mà ngân hàng Anh đặt ra, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ cũng chỉ tăng 1,2% so với một năm trước. Ngày 15/1/2013, nhấn mạnh việc thế giới vẫn chưa thể bỏ lại cuộc khủng hoảng tài chính phía sau, Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Christine Lagarde đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ giảm phát sẽ làm chệch hướng phục hồi kinh tế toàn cầu. Bà Lagarde cho biết: “Trước việc lạm phát giảm xuống dưới mức mục tiêu của nhiều ngân hàng trung ương, chúng ta thấy rủi ro về giảm phát đang tăng lên. Điều này có thể làm tổn hại đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu”.
Tuy nhiên, theo cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới thì những lo ngại này chỉ đến từ những nền kinh tế phát triển và hiện tượng giảm phát là đáng lo, song nền kinh tế thế giới đã mạnh mẽ hơn vào cuối năm 2013.