Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội tại buổi họp báo thường kỳ chiều 2/3, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay cơ quan điều hành thống nhất cho rằng hiện chưa xuất hiện dấu hiệu giảm phát.
Theo người phát ngôn Chính phủ, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua giảm chủ yếu do tác động của việc giảm giá dầu thế giới, nhất là đối với chỉ số giá nhóm giao thông. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa dồi dào cũng góp phần bình ổn giá. Bên cạnh đó, các chương trình kích cầu, khuyến mãi cuối năm đối với hàng tiêu dùng, điện máy, điện tử được thực hiện rộng rãi tại nhiều địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng chưa có dấu hiệu của giảm phát.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên dẫn chứng, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng giảm nhưng sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm ước tăng 11,4%, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 10,7% - cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6,2%). Các ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm tăng 12% (cùng kỳ tăng 5,4%).
“Kinh tế vẫn tăng trưởng dù giá dầu giảm. Sản xuất công nghiệp vẫn tăng, cho thấy phục hồi kinh tế tương đối đồng đều. Cân đối xuất nhập khẩu, thu ngân sách vẫn đảm bảo. Đó là những tín hiệu đáng mừng”, Bộ trưởng nói.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước giảm 0,05% so với tháng trước. Đây cũng là tháng Tết có chỉ số giá thấp nhất trong 6 năm qua. Tính từ đầu năm, CPI cả nước giảm 0,25%, cách xa chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra là 5% cho cả năm 2015.
Một vấn đề “nóng” khác cũng được đặt ra là khả năng quốc hữu hóa ngân hàng không chỉ dừng lại với Ngân hàng Xây dựng (VNCB) mà có thể thêm GPBank và Oceanbank. Theo Phó thống đốc - Nguyễn Thị Hồng lý giải, việc mua lại VNCB với giá 0 đồng là do nhà băng này bị âm vốn điều lệ. “Những ngân hàng có vốn điều lệ âm so với vốn pháp định thì Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện giải pháp trên. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng thương mại khác đứng ra mua lại”, bà Hồng thông tin.
Trong khi đó, đối với câu chuyện chuyển nhượng các cảng hàng không, theo Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường, đây là thực tế đã diễn ra nhiều trên thế giới. “Riêng phần điều hành bay và đảm bảo an ninh hàng không thì phải là Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước điều hành”, ông Trường nói.
Riêng về đề xuất mới đây của 2 hãng không nội về việc mua lại nhà ga T1 Nội Bài, lãnh đạo Bộ “hoàn toàn đống tình” và đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) xây dựng phương án đấu thầu. “Nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu đề ra, chào giá hợp lý thì sẽ được chuyển quyền khai thác”, Thứ trưởng khẳng định.
Tương tự, ông Trường nói quan điểm của Bộ là muốn chuyển nhượng toàn bộ sân bay Phú Quốc, nhưng giữ lại việc đảm bảo an ninh và an toàn bay.