30/07/2015 7:48 AM
Từng một thời là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, nhưng BĐS Bình Dương giờ đang trong cảnh chợ chiều.

Quy hoạch phát triển thành phố mới (TPM) Bình Dương, quy mô 1.000 ha được Chính phủ phê duyệt để trở thành một khu đô thị quy mô, hiện đại và sẽ là quận trung tâm của TP.Bình Dương (khi trực thuộc Trung ương) theo định hướng quy hoạch đến năm 2020 đã tạo nên sức hấp dẫn và sự kỳ vọng về sự phát triển nhanh chóng, khi nhiều nhà đầu tư đã không ngần ngại rót vốn vào các dự án chung cư, nhà ở thương mại...

Trong suốt những năm qua, theo UBND tỉnh Bình Dương, TPM Bình Dương đang được xây dựng ngày càng hoàn thiện theo quy hoạch, nhiều dự án quan trọng đã và đang định hình trong khu vực với tầm cỡ quốc tế. Đồng thời, tỉnh cũng đang tích cực quảng bá, kêu gọi nhiều doanh nghiệp BĐS lớn trong và ngoài nước đầu tư vào “khu đất vàng” này. Cụ thể, TPM bao gồm 7 phân khu chức năng gồm Khu trung tâm chính trị - hành chính; Khu trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán; Khu công viên công nghệ kỹ thuật cao; Khu trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, trường đại học; Khu phục vụ cộng đồng… Nổi bật và được xem là dự án tạo lực hút mang tính đột phá là Khu đô thị Tokyu Bình Dương với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, do Công ty TNHH Becamex Tokyu, liên doanh giữa Tập đoàn Tokyu Nhật Bản và Tập đoàn Becamex IDC của Việt Nam đầu tư. Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt dự án khác như Khu công nghệ kỹ thuật cao Mapletree của Singapore; phố Golden Town, dự án Aroma…


Một phần trong KĐT mới Bình Dương vẫn hoang vắng

Khác hẳn với sự rầm rộ đầu tư ban đầu và kỳ vọng “thiên đường” BĐS Bình Dương sẽ tỏa sáng, sinh lời cao cho nhà đầu tư thì chỉ sau vài ba năm trở lại, khi tình hình kinh tế khó khăn thì BĐS Bình Dương lập tức rơi vào cảnh đìu hiu. Tại những mảnh đất “sạch” được quy hoạch khá hoàn chỉnh chỉ còn chờ nhà đầu tư đến triển khai dự án, giờ đây cỏ lau mọc xanh tốt, thỉnh thoảng vẫn có thể bắt gặp cảnh những đàn bò được người dân gần đây chăn thả thong dong. Ngay tại khu trung tâm của TPM Bình Dương, từng là điểm đến tập trung của nhiều nhà đầu tư BĐS, chỉ trong vòng bán kính chưa đầy một km, hàng loạt khu đô thị, nhà ở liền kề được xây dựng nhan nhản. Nhưng, điều đáng nói, toàn bộ những dự án này hầu như rất vắng bóng người ở, thay vào đó là những văn phòng, công ty môi giới BĐS thuê để làm nơi giao dịch, đón chờ cơ hội từ những nhà đầu tư mới. Theo một nhân viên kinh doanh của sàn BĐS Kim Oanh cho biết: “Hầu như các dự án nhà liền kề ở đây đều được tuyên bố đã bán hết sạch, tuy nhiên hầu như không ai dọn đến ở. Khi màn đêm buông xuống, rất ít người dám đi qua khu trung tâm hành chính này vì khá vắng vẻ”. Còn chuyên viên tư vấn sàn BĐS MyLand gần đó cho biết thêm, đa số các căn hộ ở đây đều được người mua cho thuê lại hoặc là bỏ không qua nhiều năm liền. Do vậy, cả một dãy phố mới xây dựng nhưng đã bị xuống cấp trầm trọng. Theo quan sát tại khu vực dự án nhà liền kề của Công ty địa ốc Tấc Đất Tất Vàng, dù là một trong những dự án nằm ở vị trí khá đắc địa, vì ngay đối diện khu công viên rộng 120 ha của TPM và Đại học Quốc tế miền Đông, nhưng gần 100 căn nhà liền kề đều không một bóng người, cửa lúc nào cũng đóng kín.

Lý giải về cảnh tượng vắng vẻ của nhiều dự án BĐS tại đây, một vài chuyên viên tư vấn môi giới BĐS cho rằng, có lẽ do giá nhà đất ở TPM Bình Dương còn khá cao. Cụ thể, một căn hộ liền kề có diện tích hơn 100m2 có giá tầm 3-5 tỷ đồng, đối với biệt thự có mức giá trên 10 tỷ/căn. Thực tế mức giá này chỉ phù hợp với các chuyên gia nước ngoài, nhưng qua tìm hiểu phần lớn nhiều chuyên gia vẫn đang thuê nhà tại TP.HCM, bởi đi lại cũng thuận tiện, hơn nữa có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ cuộc sống sinh hoạt hơn tại Bình Dương. Trong khi với các công nhân, người lao động nhập cư thì mức giá đó chắc chắn ngoài tầm tay. Mặc dù các chủ đầu tư tung ra nhiều gói khuyến mãi hấp dẫn, hỗ trợ cả người mua vay vốn, tìm người thuê lại… nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ để kích thích khách hàng tìm đến. Một nhà đầu tư nhỏ lẻ tại TP.HCM cho biết ông đã mua một căn biệt thự nằm cạnh trung tâm hình chính tỉnh hơn 7 năm nay. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng chỉ mới xây chưa được 10 căn trong tổng số 70 căn biệt thự của dự án và bỏ hoang từ đó đến nay. Chính vì vậy, nhà đầu tư này đã liên tục rao bán căn biệt thự của mình đã hơn 2 năm nhưng không ai dám mua vì nhìn vào cảnh xuống cấp của dự án. Thậm chí, người này còn muốn bán lại nhà cho chủ đầu tư nhưng cũng không được. "Đa số người mua nhà tại đây là các nhà đầu tư lướt sóng đến từ TP.HCM và Hà Nội, khi thị trường nóng sốt họ mua với giá cao nhưng nay thì “mắc kẹt” nên chủ yếu là bỏ trống, chờ đợi thời cơ, còn lại một số nhà đầu tư dài hạn thì hoàn thiện nhà rồi cho người nước ngoài thuê lại, rất ít nhà có người ở tại đây là người Việt".

Ông Nakata Yasuyuki, Tổng Giám đốc Becamex Tokyu cho rằng, mục dù chính sách phát triển trên của chính quyền địa phương là rất tốt, nhưng cần phải mất nhiều thời gian để các kế hoạch này phát huy tác dụng. Hiện tại, cơ sở hạ tầng giao thông, chính sách giải quyết thủ tục đầu tư liên quan đến đất đai vẫn còn quá nhiêu kê, mất thời gian… Do vậy, tỉnh cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS tiếp cận đất đai, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục pháp lý để có thể nắm bắt thời cơ và tạo dựng được khu quần thể đồng bộ phục vụ cộng đồng dân cư.

Minh Tuyết (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.