Theo Ngân hàng Nhà nước, mạng lưới được cấp phép cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ - Ảnh: VnExpress.
Triển khai Nghị định 24/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, từ ngày 10/1/2013, mạng lưới mua bán vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã đi vào hoạt động. Thị trường cũng đã có những phản ứng bước đầu, tạo quãng giao dịch khá đặc biệt.
“Trong 3 ngày qua, các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được cấp phép đã tích cực triển khai mạng lưới, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các phương tiện thông tin đại chúng đã kịp thời cung cấp thông tin cho người dân nên việc mua bán vàng miếng diễn ra thuận lợi. Bản thân người dân khi tham gia mua bán vàng miếng tại các đơn vị cấp phép cũng hài lòng do được phục vụ chu đáo tận tình, quyền lợi được đảm bảo với việc được cung cấp hóa đơn giao dịch bao gồm cả số seri của miếng vàng”, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.
Đặc biệt, trong mấy ngày qua, giá vàng thế giới chỉ dao động quanh biên độ hẹp nhưng giá vàng trong nước đã giảm nhanh, làm cho mức chênh lệch giá vàng trong nước quy đổi so với giá vàng thế giới giảm từ mức gần 5 triệu đồng/lượng xuống trên dưới 3 triệu đồng/lượng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, diễn biến trên do bốn nguyên nhân chính.
Một là, tâm lý găm giữ đầu cơ đã giảm khi thị trường vàng miếng được cấp phép đi vào hoạt động.
Hai là, người dân đã yên tâm hơn khi bán vàng miếng trên thị trường được cấp phép.
Ba là, trên mạng lưới mua bán được cấp phép, thông tin về giá mua bán được công bố công khai minh bạch và cập nhật nhanh hơn.
Bốn là, mạng lưới được cấp phép cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Trao đổi với VnEconomy, đại diện một số đầu mối lớn cho rằng, khi hệ thống kinh doanh vàng miếng được siết lại, các hoạt động đầu cơ đã được hạn chế, nguồn cung găm giữ trước đây đang “giãn” ra.
Với các tổ chức tín dụng tham gia kinh doanh, giới hạn trạng thái rất thấp (2% vốn tự có) là một rào cản kỹ thuật. Với các tổ chức kinh doanh nói chung, trước một đà lao dốc liên tục và nhanh trong vài ngày qua, rủi ro trong găm giữ được đẩy lên mức cảnh báo cao.
“Lúc này, quan trọng hơn là biên giá, cạnh tranh trong giao dịch và thu hút khách hàng. Cạnh tranh đang rõ ràng hơn giữa các tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp đầu mối. Chính cạnh tranh cũng sẽ giảm thiểu khả năng có liên kết đầu cơ”, một người trong cuộc nhìn nhận. Và thực tế trong ba ngày đầu, có thể nhận thấy hơi hướng cạnh trong đó trong chênh lệch giá mua vào - bán ra giữa các đầu mối…
Mặt khác, khi có cạnh tranh cũng như giám sát chính thức của nhà nước, quyền lợi của khách hàng trong giao dịch sẽ được đảm bảo tốt hơn trước đây.
Với người dân, bán ra khi chênh lệch giá thế giới còn lớn cũng là một lựa chọn, khi mà Chính phủ đã chính thức phát đi thông điệp thu hẹp độ vênh giá trong nước với giá thế giới. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những tín hiệu chuẩn bị vào cuộc để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.
Với các đầu mối từng tham gia kinh doanh vàng miếng trước đây, nay không được cấp phép và tổ chức giao dịch như trước, lượng vàng tồn quỹ được “giãn” ra, họ thu hồi vốn để chuyển hướng kinh doanh và tạo cung cho thị trường. Một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận với VnEconomy, đây là một nguồn cung lớn những ngày gần đây.
Những yếu tố trên đã tạo nên quãng giao dịch đặc biệt của thị trường vàng trong nước; giá liên tục giảm mạnh, độ vênh thu hẹp nhanh chóng, trong khi giá vàng thế giới không nhiều biến động.
Trong bản tin vừa phát đi, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Để triển khai các nội dung trong nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tham gia thị trường vàng với tư cách là người kiến tạo và mua, bán cuối cùng nhằm ổn định thị trường vàng theo đúng tinh thần Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng”.
Trước và sau khi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, dự kiến chênh lệch giá trong nước với thế giới được thu hẹp, song có thể sẽ vẫn còn độ vênh đáng kể. Bởi lẽ, chênh lệch đó phải đủ để kích thích người dân bán vàng ra, theo chủ trương chuyển đổi vốn mà Chính phủ đề ra. Dĩ nhiên, nếu nó vẫn còn quá lớn thì nhà điều hành cần vào cuộc thực sự.