Thị trường bất động sản có khởi sắc hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là khôi phục lòng tin người dân.

Sau gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân vay tiền mua nhà và doanh nghiệp (DN) đầu tư dự án nhà ở xã hội, thị trường bất động sản (BĐS) đang chờ đón gói 50.000 tỉ đồng từ các ngân hàng (NH) thương mại thông qua mô hình liên kết 4 nhà…

Liệu gói mới có hấp thụ nhanh hơn?

Thông tin mới nhất từ NH Nhà nước cho thấy đến nay, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở với lãi suất 5%/năm thời gian 10 năm mới giải ngân được hơn 4% (2.673 khách hàng được vay vốn với tổng dư nợ 1.206 tỉ đồng). Trong quý I, có thêm 3 dự án nhà ở xã hội được vay 200 tỉ đồng từ gói này gồm dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ở Vĩnh Phúc của Công ty CP Dịch vụ Thương mại Trang Đạt, dự án xây dựng nhà ở xã hội của Tổng Công ty Viglacera tại khu đô thị Tây Mỗ (Hà Nội) và dự án chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội tại Hà Nội của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại dịch vụ Bắc Hà.

Thị trường bất động sản đang cần bơm vốn và chính sách phù hợp để khôi phục niềm tin. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy

Ông Phạm Trung Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở - Bộ Xây dựng, lý giải gói tín dụng này không phải ngân sách cho mà chỉ hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp để nhiều người dân có cơ hội tiếp cận nhà ở. Đi kèm với gói này là các chính sách về miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế và lãi suất để dự án có giá thành thấp… Từ việc đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội cũng góp phần làm phân khúc nhà ở thương mại giảm giá. “Đã là chính sách ưu đãi phải có tiêu chuẩn và phải xét duyệt. Đây không phải gói muốn tiêu càng nhanh càng tốt. Ngay bản thân các DN cũng đầu tư dự án một cách thăm dò, làm nhà ở xã hội không biết có lợi nhuận không?” - ông Tuyến giải thích.

Trong khi cả người dân và DN đều nản lòng với gói 30.000 tỉ đồng, mới đây, thị trường lại đón nhận thêm thông tin về gói tín dụng 50.000 tỉ đồng do các NH thương mại cam kết cho vay, thông qua mô hình liên kết 4 nhà. Liệu gói này có giúp thị trường BĐS khởi sắc và hấp thụ nhanh hơn?

Không nới điều kiện vay, lãi suất

Trên thực tế, gói tín dụng này cho vay với lãi suất thông thường trên thị trường và tuân thủ quy định, điều kiện vay vốn của từng NH. Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - NH Nhà nước, cho biết gói 50.000 tỉ đồng của các NH thương mại cam kết qua mô hình liên kết 4 nhà (Tập đoàn Thiên Thanh và NH Xây dựng mới công bố - PV) thực chất là sản phẩm tín dụng quản lý dòng tiền, góp phần tạo dựng lại niềm tin thị trường.

Lãnh đạo một DN BĐS cho rằng gói 50.000 tỉ đồng vay với lãi suất thông thường mà chủ đầu tư phải mua vật liệu xây dựng thông qua một đầu mối sẽ không mặn mà. “Thực tế, mỗi chủ đầu tư dự án đều đã liên kết với một nhà thầu cung cấp vật liệu xây dựng với giá cả thỏa thuận. Nay dự án đó phải thông qua đơn vị cung cấp khác là khó khả thi. Chỉ những DN vướng nợ xấu, dự án đói vốn cần triển khai tiếp mới vay gói này” - lãnh đạo DN này nói. Thậm chí, gói tín dụng này liệu có dùng để tiếp vốn cho công ty sân sau, công ty con?

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, ông Lê Hoàng Châu, cho rằng cộng đồng DN sẽ có lợi khi liên kết 4 nhà như được cấp vốn tín dụng, được giám sát, dòng vốn đúng mục đích và giải quyết thanh khoản của DN. Tuy nhiên, thị trường BĐS có khởi sắc hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó lớn nhất là khôi phục lòng tin và còn nhiều hành lang pháp lý sẽ áp dụng thời gian tới như Luật Đất đai sửa đổi, cho người nước ngoài mua nhà…

Song Hà (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.