Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, năm 2014 sẽ tạm dừng cấp giấy phép mới cho các dự án nhà ở thương mại. Nhưng liệu tạm dừng trong một năm có đủ để thị trường bất động sản (BĐS) “dọn sạch kho”?

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2014 sẽ tạm dừng cấp giấy phép mới cho các dự án nhà ở thương mại bởi hiện đang tồn tại quá nhiều dự án đã có giấy phép phải tạm dừng vì không đủ sức hoàn thiện. Nhưng liệu tạm dừng trong một năm (2014) có đủ để thị trường bất động sản (BĐS) “dọn sạch kho”?

Mới “tạm” nên chưa “đủ mạnh”

Theo ghi nhận, hiện cả nước có trên 4.000 dự án nhà ở, sử dụng tới 102 nghìn ha đất, nếu đầu tư tất cả các dự án này cần tới 4,5 triệu tỷ đồng và sẽ tạo ra xấp xỉ 3 triệu căn hộ. Bộ trưởng nhấn mạnh trong khoảng thời gian trung hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể giải quyết được khối lượng dự án lớn như vậy.

Minh chứng là tính đến thời điểm này, tại Tp.HCM đang có hơn 689 dự án và Hà Nội cũng có gần 100 dự án dừng thi công. Vậy nên quyết định sẽ tạm dừng cấp giấy phép các dự án nhà ở thương mại trong năm 2014 theo Bộ trưởng là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, biện pháp này có đủ mạnh để “xả kho” khi chỉ dừng cấp phép mới trong vỏn vẹn 1 năm?

Bộ trưởng cho biết thị trường BĐS đã ấm lên, trong 4 tháng đầu năm 2014 (tính tới 15/4) thì tồn kho BĐS đã giảm 34,4% so với cùng kỳ 2013. Tuy nhiên, không tính những dự án đang dừng thi công, số lượng nhà ở đang tồn kho của thị trường vẫn còn khá lớn. Báo cáo mới đây được Bộ Xây dựng trình Chính phủ về tình hình thị trường BĐS có thể cho thấy cái nhìn tổng quan hơn: tính đến cuối tháng 2/2014, tổng giá trị tồn kho BĐS cả nước vào khoảng 92.690 tỷ đồng, giảm 1.768 tỷ đồng – tương đương 1,87% so với tháng 12/2013. Trong đó, Hà Nội tồn kho 12.601 tỷ đồng (giảm 2,8%) và Tp.HCM còn tồn kho 16.713 tỷ đồng (giảm 4,32%).

Thanh khoản “ấm” nhưng chưa nóng

Như vậy, có thể thấy, dù có giảm nhưng số liệu cũng không khả quan lắm, ví dụ như ở Tp.HCM nơi có tốc độ giảm nhanh nhất cũng chỉ đạt 4,32% trong 2 tháng đầu năm 2014. Nhân lũy kế 12 tháng thì tỷ lệ giảm năm 2014 cũng chỉ vào khoảng 26%. Đây chỉ là con số tham chiếu và chưa tính đến những yếu tố khác có thể thúc đẩy thị trường nóng lên, nhưng có thể thấy khoảng cách từ 26 đến 100% vẫn còn quá xa.

Đó là chưa kể theo nhận định của các chuyên gia, thống kê của Bộ Xây dựng chỉ ghi nhận lượng tồn kho sơ cấp từ chính các chủ đầu tư dự án chứ chưa tính đến lượng BĐS thứ cấp (các nhà đầu tư mua nhưng chưa bán lại được). Con số này chắc chắn rất lớn khi một thời gian dài các dự án mới ở giai đoạn 1, 2 đã “cháy hàng”, không ít nhà đầu tư sau khi “ôm” các căn hộ đã mắc kẹt khi thị trường chững lại. Ví dụ tại thị trường Hà Nội, nhìn hàng loạt dãy biệt thự, nhà liền kề tại các dự án như Nam An Khánh - Geleximco, Splendora, Khu đô thị Vân Canh, Kim Chung - Di Trạch, Lideco (Hoài Đức) Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông), Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn, hay Khu biệt thự Quang Minh (Mê Linh)..., thì con số BĐS tồn kho trị giá 12.601 tỷ đồng chỉ phản ánh được phần nào thực tế thị trường mà thôi!

Vậy nên, có thể thấy việc giảm dừng cấp phép mới dự án nhà ở thương mại trong năm 2014 có thể sẽ chỉ là “thuốc giảm đau” cho thị trường, giúp cán cân giữa cung và cầu bớt chênh lệch chứ không hẳn sẽ khiến cho các dự án bất động sản “xả” sạch kho được ngay trong năm tới.

Thùy Linh (Seatimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.