Theo đề án tái cơ cấu, VICEM cần tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh ximăng; việc đầu tư, phát triển kinh doanh bất động sản không thuộc thế mạnh, ngành nghề của VICEM.

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy. (Ảnh: Anh Huy)

Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trực thuộc.

Trong một số khó khăn vướng mắc được nêu khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ Xây dựng cũng đưa ra lý giải về các phương án do Tổng công ty ximăng Việt Nam (VICEM) đề xuất đối với 3 cơ sở nhà đất đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Bộ Xây dựng cho biết tính từ thời điểm cuối năm 2015 đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành cổ phần hóa, chuyển doanh nghiệp sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần thêm 7 Tổng công ty gồm Lắp máy Việt Nam (Lilama), Xây dựng số 1 (CC1), Vật liệu Xây dựng số 1 (FiCO), Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC), Cơ khí xây dựng (COMA), Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp (IDICO) và Sông Đà. Theo đó, nâng tổng số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng hoàn thành cổ phần hóa lên con số 14 trên tổng số 16 doanh nghiệp (tính cả Tổng công ty Đầu tư và Thương mại - DIC và Tổng công ty Bạch Đằng được cổ phần hóa trước đó).

Toàn bộ các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đều đã thực hiện niêm yết theo quy định; trong đó 3 doanh nghiệp niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán (DIC, Viglacera, IDICO) cùng 11 doanh nghiệp lên sàn Upcom.

Sau cổ phần hóa, về cơ bản, các doanh nghiệp đều tiếp tục duy trì ngành nghề sản xuất kinh doanh truyền thống; đa số doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn và nâng sức cạnh tranh.

Cùng với việc điều hành doanh nghiệp linh hoạt, nhạy bén hơn, các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cổ đông tham gia góp vốn được đảm bảo...

Hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục thực hiện cổ phần hóa 2 đơn vị là Tổng công ty ximăng Việt Nam (VICEM) và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).

Tại hai đơn vị này sẽ tập trung vào việc sắp xếp lại cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; làm việc với các địa phương về phương án sử dụng đất và giá đất theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Bộ Xây dựng đang chỉ đạo HUD và VICEM đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tại Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Lý giải về kết quả cổ phần hóa và thoái vốn tại một số tổng công ty còn hạn chế, Bộ Xây dựng cho rằng khó khăn nằm ở khâu đánh giá, định giá tài sản giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, dự án hình thành trong tương lai gắn liền với đất thuê...

Điều này dẫn đến phát sinh nhiều phức tạp liên quan chủ yếu đến sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất đối với tài sản công, xác định phương án sử dụng đất cũng như giá đất.

Đáng chú ý như sự việc đang được dư luận quan tâm là về tình hình sắp xếp, xử lý một số nhà đất do VICEM quản lý và sử dụng khi đơn vị này đề xuất thay đổi sắp xếp lại, xử lý đối với 3 cơ sở nhà đất.

Các lô đất này bao gồm lô 10E6 Phạm Hùng thuộc dự án trung tâm điều hành và giao dịch VICEM (Hà Nội); dự án khu tổng hợp Vĩnh Tuy tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (Hà Nội); dự án nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi thuộc khu công nghiệp Đông Hồi (Nghệ An).

Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cuối tháng Bảy, Bộ Xây dựng đề cập cụ thể về các phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất do VICEM đề xuất.

Cụ thể, đối với lô đất 10E6 Phạm Hùng, từ tháng 11/2019, VICEM trình Bộ Xây dựng văn bản đề nghị được điều chỉnh lại phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất này từ hình thức giữ lại tiếp tục quản lý, sử dụng để thực hiện dự án trung tâm điều hành và giao dịch VICEM sang hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Còn với dự án khu tổng hợp Vĩnh Tuy tại ngõ 122 Vĩnh Tuy, tháng 1/2019, VICEM trình Bộ Xây dựng văn bản đề nghị được điều chỉnh lại phương án sắp xếp, xử lý cơ sở này từ hình thức tiếp tục quản lý sử dụng để triển khai dự án khu tổng hợp Vĩnh Tuy sang hình thức cho phép VICEM được tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh của VICEM như hiện trạng.

Các đề xuất của VICEM được Bộ Xây dựng thống nhất về cơ bản và đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, cho ý kiến đối với phương án xử lý, sắp xếp lại nhà đất tại khu đất này.

Hiện, VICEM đang phối hợp với các bộ ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội để rà soát hồ sơ pháp lý đất đai, thực hiện sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất này theo quy định.

Cùng đó, tháng 5/2019, VICEM đã trình Bộ Xây dựng văn bản đề nghị được điều chỉnh lại phương án sắp xếp, xử lý từ hình thức giữ lại tiếp tục quản lý, sử dụng theo quy hoạch để thực hiện dự án nhà máy kết cấu bêtông-vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi sang hình thức chuyển nhượng dự án cho VICEM Hoàng Mai để đảm bảo VICEM Hoàng Mai có địa điểm xây dựng trạm nghiền ximăng.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, so với phương án sắp xếp đã được Bộ phê duyệt trước đây, phương án điều chỉnh hiện nay do VICEM đề xuất cơ bản lô đất tại ngõ 122 Vĩnh Tuy có sự điều chỉnh nhưng vẫn đề nghị VICEM được tiếp tục quản lý, sử dụng.

Riêng 2 cơ sở nhà đất còn lại, VICEM đề nghị được sắp xếp lại theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển nhượng dự án.

Về lý do phải chuyển nhượng hai lô đất này, tại văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng nêu rõ, đối với lô đất ở Phạm Hùng, VICEM nhận thấy nếu tiếp tục dự án sẽ không hiệu quả.

Theo đề án tái cơ cấu, VICEM cần phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh ximăng. Lĩnh vực đầu tư, phát triển kinh doanh bất động sản không thuộc về thế mạnh, ngành nghề của tổng công ty.

Do đó, việc sắp xếp lại xử lý nhà đất đối với 3 cơ sở nhà đất nêu trên mà VICEM đang quản lý, sử dụng để trình các cơ quan chức năng phê duyệt theo thẩm quyền trước khi lập phương án cổ phần hóa là thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định, Bộ Xây dựng khẳng định.

Tuy nhiên, phương án đề xuất này vẫn đang trong quá trình xem xét của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, chưa được phê duyệt.

Nếu phương án sắp xếp điều chỉnh đối với 2 cơ sở nhà đất ở Phạm Hùng và Đông Hồi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với hình thức bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án như đề xuất thì VICEM phải có trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng phương án được duyệt, tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Bộ Xây dựng khẳng định, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương án tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc thoái vốn nhà nước hoặc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các Tổng công ty-Công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình triển khai, nếu có các khó khăn vướng mắc phát sinh, Bộ Xây dựng sẽ kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo trước khi thực hiện./.

Thu Hằng (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.