Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 27/4.
Không có lý do cấp phép mới
Trước câu hỏi, một số chuyên gia cho rằng, đề xuất của Bộ về việc dừng cấp phép đối với dự án phát triển nhà ở thương mại là biện pháp phi thị trường, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải thích rằng, Việt Nam đang phát triển một nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Nghĩa là cùng một lúc, chúng ta phải tôn trọng các yếu tố của kinh tế thị trường, nhưng không thể né tránh sự quản lý của Nhà nước để làm cho thị trường này phát triển lành mạnh.
"Trong một thời gian dài, chúng ta đã quá tôn trọng thị trường. Tư tưởng thị trường hóa ở trong quá trình quản lý, nên thị trường phát triển tự phát, theo phong trào, dẫn tới những khó khăn của thị trường BĐS trong thời gian vừa qua và đến hôm nay chúng ta đang phải tháo gỡ khó khăn cho nó", Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thông tin, hiện nay, cả nước có trên 4.000 dự án nhà ở, sử dụng tới 102.000 ha đất. Nếu đầu tư tất cả các dự án này phải mất khoảng 4,5 triệu tỷ đồng, tạo ra gần 3 triệu căn hộ.
"Với khả năng của nền kinh tế hiện nay thì không thể nào trong trung hạn chúng ta có thể giải quyết được khối lượng các dự án như vậy", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: "Như vậy, trong khi chúng ta đang phải dừng các dự án đã cấp phép rồi, không có lý do gì chúng ta lại cấp phép mới".
Đây không phải là lần đầu tiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đưa ra giải thích trước những băn khoăn của dư luận về kiến nghị dừng cấp phép xây nhà ở thương mại.
Cụ thể, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo TƯ về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản diễn ra trước đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín nêu quan điểm, ngừng cấp phép, sẽ gây không ít khó khăn, hệ quả quả khác khi nhiều dự án đã được chuẩn bị mặt bằng, thủ tục vài năm qua, giờ đến khâu chốt sau cùng là xin giấy phép triển khai thì bị đình lại.
Ông Tín so sánh, việc ngưng hoàn toàn dự án mới lúc này cũng không khác một hoạt động “đóng băng” mới với thị trường. Vị Phó Chủ tịch TPHCM đề nghị vừa thúc giải quyết các dự án cũ nhưng cũng không “cực đoan” với dự án mới.
Kiến nghị ngừng cấp phép các dự án nhà ở thương mại năm 2014 của Bộ Xây dựng vẫn khiến dư luận băn khoăn
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng nêu quan điểm, thay vì không cấp phép đầu tư dự án nhà thương mại mới thì Hà Nội đề nghị chỉnh chính sách, yêu cầu địa phương tăng cường rà soát, kiên quyết dừng những dự án chậm tiến độ vì thiếu nguồn lực. Còn nếu dự án khó khăn trong giải phóng mặt bằng thì cho phép điều chỉnh quy mô, tiến độ và nhà đầu tư khi đó phải chứng minh năng lực triển khai dự án.
Như thế, hướng điều chỉnh đưa ra là “nhắm”… xử những dự án cũ không đảm bảo chứ không phải “chặn” dự án mới.
Nhà nước không bao cấp
Ngoài ra, trước ý kiến cho rằng chương trình nhà ở xã hội tốn tiền, "đè nặng" lên ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, chiến lược nhà ở là một bước để cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu tăng trưởng đi đôi với phát triển, phát triển đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội.
"Đây không phải bao cấp như ngày trước, lần này Nhà nước xây dựng một chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và Nhà nước hỗ trợ người thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở, được mua nhà với giá thấp hơn giá thị trường, do Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuế VAT đầu ra, hỗ trợ vay tín dụng với lãi suất thấp…", Bộ trưởng Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nhà ở xã hội lần này là thị trường “phi hàng hóa”- tức là các giao dịch theo cơ chế thị trường, có cung thì có cầu nhưng giá nhà thì thấp hơn giá thị trường do có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hoạt động của doanh nghiệp.