Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: 30.000 tỷ không phải để cứu BĐS, mà để tăng cầu về kinh tế, giúp người thu nhập thấp có nhà ở. Do đó, không thể giải ngân nhanh mà phải từ từ.
Ngày 27/8, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn đầu làm việc tại Bộ Xây dựng về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị.
Trả lời về tiến độ giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng còn chậm và có nhiều vướng mắc, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: gói tín dụng này không phải để cứu BĐS, mà để tăng cầu về kinh tế, giúp người thu nhập thấp có nhà ở. Do đó, không thể giải ngân nhanh mà phải từ từ, đúng đối tượng, trong năm nay cố gắng giải ngân được 5 nghìn tỷ là đáp ứng yêu cầu.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: 30.000 tỷ không phải để cứu BĐS và phải từ từ.

Trước đó, trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời vào giữa tháng 7/2013, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng từng cho biết, gói hỗ trợ 30.000 tỷ chảy về doanh nghiệp cũng tốt.

"Nếu nhiều dự án nhà ở xã hội được vay để xây dựng nhà ở xã hội thì tốt vì nếu nhiều doanh nghiệp tham gia sẽ phục vụ cho nhiều người dân" - Ông Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, không cần phải lo ngại về nguồn cung nhà ở xã hội có thể dẫn đến một lượng tồn kho kế tiếp vì nhà ở xã hội hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
"Chúng ta có thể thấy thời gian qua, BĐS tồn kho nhiều sản phẩm quy mô lớn, giá cao trong khi đó lại thiếu sản phẩm quy mô nhỏ, giá thấp phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số người dân. Do vậy phải khắc phục sự lệch pha này" - Bộ trưởng Dũng nói.
Vào giữa tháng 6/2013, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng từng lên tiếng kêu gọi người dân mua nhà để gỡ băng BĐS và cho rằng thị trường Hà Nội và TP.HCM đã ấm dần lên.
“Đây cũng là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, gần đây thị trường BĐS đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP.HCM đã có dấu hiệu ấm dần lên” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành
Gói 30.000 tỷ cứu BĐS đã thất bại
Gói 30.000 tỷ đã thất bại. Điều này tôi đã thấy và cho đến nay thị trường BĐS vẫn chưa có biến động gì. Doanh nghiệp không hưởng lợi, người dân không hưởng lợi, thị trường tiếp tục đóng băng và đóng băng thì doanh nghiệp chết. Giống như căn bệnh đã thối mà chờ các loại thuốc, còn thuốc thì không đủ mạnh, không đúng lúc, uống vào lúc đã trễ. Riêng thuốc về TP.HCM còn phải đợi xem xét, phê duyệt nên bệnh nhân chết là chắc chắn.
TS. Alan Phan
Nguy hiểm khi BĐS vẫn cố kéo dài sự sống
BĐS Việt Nam vẫn đang cố kéo dài sự sống, vẫn đang lằng nhằng đợi chết. Đây là một điều nguy hiểm, vì nếu nó có chữ "the end" rồi thì mọi người biết mà đi về, kiếm phim khác coi. Còn nếu nó vẫn chưa đâu ra đâu, chưa chết, vai chính vẫn nằm ừ ừ, còn kéo dài lâu như thế này theo tôi là một tín hiệu xấu, rất nguy hiểm.
Thụy Miên (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.