22/10/2019 8:32 PM
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết hiện nay công tác thu hồi đất đang gặp khó khăn bởi câu chuyện phải có tiền giải phóng mặt bằng mới có đất sạch.
Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Chiều 22/10, trong khuôn khổ phiên thảo luận tổ về việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết hiện nay một số quy định giữa các luật còn chồng chéo, không thống nhất nên đã gây khó khăn cho công tác triển khai trong thực tiễn.

Đơn cử như vấn đề đất đai, đang có câu chuyện phải có tiền giải phóng mặt bằng mới có đất sạch. Có đất sạch mới thu hồi, bán đấu giá. Thế nhưng, Luật Đấu thầu lại không quy định phải có ngân sách để quyết các vấn đề đất đai.

Thực tế trên đã gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, nhất là năm 2020 hứa hẹn có nhiều dự án đầu tư. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải xem xét, thống nhất lại một số quy định giữa Luật Đấu thầu với Luật Đất đai để phủ hợp với thực tiễn phát sinh.

“Chuyện đất sạch hay không thì cũng cần phải xác định trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của người dân, được người dân đồng thuận; có lợi cho Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Có như thế, chúng ta mới có phương án cụ thể để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn,” ông Hà nêu quan điểm.

Liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết trước khi Luật Khoáng sản 2010 ra đời, thực tế công tác khai thác khoáng sản hết sức lộn xộn. Rất nhiều mỏ được cấp phép nhưng lại kém hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ tại buổi thảo luận. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Minh chứng là cả nước có hơn 6.000 mỏ khoáng sản cấp phép khai thác nhưng lại không có điều tra và đánh giá trữ lượng. Doanh nghiệp khai thác được bao nhiêu thì đóng thuế trên cơ sở tự kê khai, báo cáo trữ lượng.

Với cơ chế cấp phép khai thác trên, “doanh nghiệp mỏ cứ chỗ nào tốt thì họ lấy, chỗ nào xấu thì để lại. Cái này quản lý này thực sự là rất lỏng lẻo và hết sức lãng phí. Vì vậy, để giải quyết thực trạng trên vấn đề đặt ra là phải yêu cầu đánh giá trên trữ lượng khoáng sản ngay từ đầu để kiểm soát, cũng như thống nhất cách tính,” ông Hà nhấn mạnh.

Đối với tài nguyên nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định mức độ phức tạp cũng tương tự. Đơn cử như thủy điện: Một công trình thủy điện còn liên quan đến công trình thủy lợi cũng như vấn đề cấp nước nông nghiệp…

"Do vậy, cần phải xem xét lại cơ cấu hoạt động và cơ chế thu, trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phù hợp, cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh," Bộ trưởng nói.

Từ những vướng mắc nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần phải có cơ chế giải quyết vướng mắc, chồng chéo giữa luật chung và luật chuyên ngành; đảm bảo tính nhất quán về chính sách giữa các Luật để áp dụng phù hợp với thực tiễn sau ban hành.

Nhóm PV (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.