Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính, chưa thể bỏ trần lãi suất huy động trong thời điểm hiện nay, bởi nếu bỏ trần lãi suất, NHNN sẽ không còn công cụ để “giải quyết” các ngân hàng yếu kém.
TS. Ánh phân tích, hiện vấn đề lớn nhất hiện nay của các ngân hàng yếu kém là thanh khoản và nợ xấu. Vì vậy, khi bỏ trần lãi suất, tất yếu các ngân hàng này sẽ đẩy cao lãi suất để huy động vốn càng nhiều càng tốt. Một mặt vừa giải quyết căng thẳng thanh khoản, mặt khác đẩy mạnh cho vay để giảm tỷ trọng nợ xấu. Hành động đó có thể dẫn đến một cuộc đua lãi suất, trong khi những yếu kém của các ngân hàng này mới chỉ được xử lý về mặt hình thức, còn thực chất lại càng trầm trọng hơn. Vì vậy, nếu bỏ trần lãi suất huy động sẽ khó có thể “xử lý” được những ngân hàng yếu kém.
Việc chưa thể bỏ trần lãi suất huy động còn vì mục tiêu khác là ép mặt bằng lãi suất hạ xuống, trong khi vẫn phải kiềm chế lạm phát. “Khi kinh tế vĩ mô ổn định, thì mới có thể bỏ trần lãi suất”, ông Ánh nói và cho rằng, không nên thay trần lãi suất huy động bằng trần lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ rủi ro của các khoản vay. Việc lãi suất cho vay cao đối với các khoản vay có mức độ rủi ro lớn cũng là để hạn chế những khoản vay này. Vì vậy, nếu áp trần lãi suất cho vay, mức độ rủi ro của các khoản vay sẽ bị “cào bằng”, nợ xấu vì vậy sẽ tăng nhanh.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến nghị: “Cần phải giải quyết vấn đề thanh khoản, đặc biệt là thanh khoản của các ngân hàng nhỏ, rồi lúc bấy giờ mới hạ lãi suất, đồng thời thực hiện tự do hóa lãi suất luôn”.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế lại cho rằng, cần thực hiện ngay tự do hóa lãi suất. Bởi việc NHNN phân loại các tổ chức tín dụng theo 4 nhóm, trong khi vẫn khống chế trần lãi suất huy động 14%/năm, sẽ khiến dòng tiền gửi có xu hướng dịch chuyển từ những ngân hàng được đánh giá là yếu kém sang những ngân hàng xếp hạng cao. Điều này khiến căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng nhỏ càng thêm trầm trọng. Trên thực tế, sau khi một số NHTM công bố xếp loại của mình, hiện tượng lách trần lãi suất huy động đã tái diễn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, căng thẳng thanh khoản chỉ xảy ra tại một số ngân hàng nhỏ, yếu. Một số ngân hàng lớn còn đang dư thanh khoản. Đó chính là lý do khiến các phiên đấu thầu trái phiếu gần đây đều thành công ở mức rất cao, lãi suất cũng hạ dần qua từng phiên. Gần đây nhất, phiên ngày 23/2 đã bán hết 2.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 năm với lãi suất 11,3% và 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm với lãi suất 11,35%/năm. Ngay cả phiên đấu thầu bổ sung 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm cũng được bán hết với lãi suất 11,49%/năm.
“Thanh khoản tại một số NHTM lớn đã được cải thiện, trong khi đầu ra tín dụng vẫn đang gặp khó khăn, bởi lãi suất cao khiến doanh nghiệp không dám vay. Bên cạnh đó, những NHTM yếu, nhỏ, thanh khoản vẫn đang khá căng, trong khi cơ cấu nguồn vốn tại các ngân hàng này chủ yếu là ngắn hạn. Do vậy, bỏ trần lãi suất là việc nên làm thời điểm này, mặc dù có thể mang đến những biến động lớn, nhưng sau đó là sự ổn định của thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung. Giữ sự ổn định một cách nhân tạo hiện tại sẽ không giải quyết được vấn đề mấu chốt”, ông Hiếu nói.
Lo ngại sẽ xảy ra cuộc đua lãi suất khi trần lãi suất được dỡ bỏ cũng không lớn. Bởi hiện tăng trưởng tín dụng đã được khống chế và thậm chí còn được phân theo nhóm, nên theo các chuyên gia, chạy đua huy động cũng “chẳng để làm gì”.
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện lạm phát có xu hướng giảm nên áp lực đẩy lãi suất lên cũng không cao. Khi bỏ trần, lúc đầu lãi suất huy động có thể tăng lên, nhưng đổi lại vốn huy động được nhiều hơn, lúc đó lãi suất huy động sẽ do thị trường điều chỉnh mà giảm xuống. Điều được ở đây là thị trường sẽ tự điều tiết và huy động như vậy được nhiều vốn hơn, qua đó tăng khả năng cho vay.
Bài toán phải tính tiếp theo là nếu bỏ trần lãi suất liệu lãi suất cho vay có tăng không? Lâu nay, lãi suất cho vay không bị khống chế nên về căn bản lãi suất này vẫn điều tiết theo thị trường. Trong khi đó, NHNN tiếp tục khống chế cho vay lĩnh vực không khuyến khích, đồng thời khống chế cả mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành. Do đó, nhu cầu nhiều khả năng là không lớn, nên khả năng tăng lãi suất cho vay là không có.
“Ngoài ra, trong bối cảnh các yếu tố thị trường không hoạt động mạnh mẽ, không sôi sục, thậm chí là có phần lạnh, có lẽ nên xem xét bỏ trần lãi suất huy động. Vấn đề lo ngại chủ yếu là thanh khoản”, ông Cung nhấn mạnh