31/05/2017 11:06 PM
Năm 2017-2018 được dự báo sẽ là đỉnh của nợ công Việt Nam với mức nợ có thể tiến sát ngưỡng 65% GDP.
Nợ công có thể lên tới 64,8% GDP
Đây là con số vừa được ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính nói tới trong buổi họp báo chiều 31/5.
Theo ông, mức nợ công tới thời điểm cuối năm 2016 của Việt Nam ở mức 63,7% GDP trong đó nợ Chính phủ là 52,6%. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức cao nhất trong giai đoạn năm 2016-2020.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017-2018 và có thể giảm dần trong những năm sau đó. Cụ thể, với giả định mức tăng trưởng kinh tế là 6,7%-7% thì nợ công vào năm 2017 sẽ lên tới 64,8% GDP. Tới năm 2018, mức nợ công vẫn ở ngưỡng cao là 64,7% GDP. Sau đó, tới năm 2020, nợ công có thể lùi về mức 63,7% GDP.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, đây là kết quả dựa trên giả định còn mức cụ thể sẽ tùy tình hình kinh tế của từng năm mà có thể thay đổi.
Trả lời cho lo lắng về việc nợ công liệu có vượt trần, ông Nghĩa khẳng định, Bộ Tài chính và Chính phủ sẽ có các biện pháp để tái cơ cấu ngân sách, nợ công để đảm bảo nợ công tất cả các năm không vượt quá 65% GDP.
Hết cơ hội vốn IDA
Trong khi nợ công đang ngày một sát trần, đại diện Bộ Tài chính lại thông tin thêm về việc, Việt Nam sẽ chính thức phải dừng nhận vốn vay ưu đãi của Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) từ tháng Bảy năm nay.
Đây là vấn đề đã được nhắc tới nhiều trong khoảng thời gian cuối năm ngoái. Tuy nhiên, trong cuộc họp gần nhất về vấn đề này của Bộ Tài chính, lãnh đạo bộ này vẫn chỉ nêu ý kiến cho rằng, Việt Nam “nhiều khả năng” sẽ không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi của IDA.
Trấn an về vấn đề này, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, ngoài vốn của IDA, phía WB vẫn còn nguồn vốn khác như vốn từ Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD), một đơn vị trực thuộc WB. Ngoài ra, một số nhà tài trợ khác vẫn đang cung cấp các khoản vay cho Việt Nam với mức độ ưu đãi nhất định.
Tuy vậy, cũng chính bà Thảo phải thừa nhận, những nhà tài trợ khác có thể cung cấp vốn ưu đãi cho Việt Nam nhưng quy mô không lớn.
Nói thêm về mức chênh lệch lãi suất trước đây và sắp tới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa tính toán, lãi suất các khoản vay ODA trong giai đoạn tới năm 2010 chỉ khoảng 1%. Tuy nhiên, hiện tại, mức lãi đã ở mức 1%-1,5%.
Chưa đưa ra mức lãi suất dự kiến trong thời gian tới vì điều này phụ thuộc vào chính sách của từng nhà tài trợ nhưng vị đại diện Bộ Tài chính khẳng định, lãi suất chắc chắn tăng lên và thời hạn ngắn đi.
Đây cũng là một trong những lý do theo lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, nghị định 52/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ giữa tháng Sáu đã quy định việc cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Theo bà Nguyễn Xuân Thảo, trong giai đoạn trước (2004-2015), tỷ trọng vốn cấp phát cho các dự án địa phương lên tới hơn 92% trong khi cho vay lại chỉ khoảng 8%. Việc cấp phát thực tế đã dẫn tới thực trạng một số tỉnh thiếu ý thức giám sát, đầu tư dàn trải, thiếu ưu tiên và hiệu quả chưa cao.
Tuy nhiên, bà Thảo khẳng định, hiện tại vốn ODA không còn “rẻ” như trước nên cần có sự thay đổi trong quan hệ giữa ngân sách Trung ương và địa phương. Việc cho vay lại sẽ phải đảm bảo xem xét dòng tiền trả nợ tại các địa phương hàng năm. Việc vay nợ của các địa phương cũng sẽ được Chính phủ xem xét từng năm để đảm bảo các nơi không có tình trạng nợ nần quá mức./.
Xuân Dũng (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.