Ảnh minh họa
Như ĐTTC đã thông tin trong bài “VEC không buông đất vàng bỏ hoang”, khu đất tại lô 20-E4 khu đô thị Cầu Giấy được UBND TP Hà Nội giao cho VEC thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở từ năm 2008, nhưng đến nay VEC vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng. Hơn nữa, đến nay VEC mới nộp 4,18 tỷ đồng tiền đặt cọc thuê đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với TP sau 10 năm được giao đất.
Nhưng mới đây, Bộ GTVT lại trình Thủ tướng đề xuất đồng ý cho VEC thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư dự án, để VEC liên doanh với nhà đầu tư bên ngoài thực hiện dự án. Bộ này lý giải, với định hướng, quy mô phát triển trong tương lai trở thành tổng công ty hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh đường cao tốc tại Việt Nam, nhu cầu cần đầu tư, xây dựng thêm trụ sở cho VEC và các đơn vị trực thuộc VEC là rất cấp thiết.
Cũng theo bộ này, nhu cầu trụ sở của VEC trong giai đoạn 2020-2030 chỉ bằng 1/15 so với tổng diện tích xây dựng trụ sở tại lô 20-E4 theo quy hoạch. Vì thế, nếu VEC tự bỏ 667 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trụ sở cao 30 tầng sẽ không phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, gây lãng phí quỹ đất và chi phí vận hành, quản lý, khai thác tòa nhà.
Để tiếp tục triển khai dự án, VEC đề xuất mời đối tác có uy tín, kinh nghiệm, năng lực tài chính, đồng thời có chức năng kinh doanh BĐS để cùng tham gia làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Việc hợp tác giữa VEC và nhà đầu tư để xây dựng trụ sở VEC tại lô 20-E4 sẽ mang lại hiệu quả đầu tư cho các bên, giảm gánh nặng đầu tư vốn cho VEC.
Tuy nhiên, trong văn bản cho ý kiến về dự án mới đây, Bộ KH-ĐT lại nêu quan điểm, việc thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư dự án trụ sở làm việc của VEC là không phù hợp. Hiện các DNNN như VEC đang phải tuân thủ quy định NĐ 91/2015/NĐ-CP về hạn chế đầu tư, kinh doanh BĐS. Theo nghị định này, VEC không được thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh BĐS.
Việc hợp tác với các đối tác bên ngoài để chuyển mục đích dự án xây dựng trụ sở làm việc của VEC thành dự án tòa nhà văn phòng làm việc, trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê kết hợp lưu trú ngắn ngày, theo Bộ KH-ĐT trường hợp nhà nước giao đất cho nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê, việc giao đất phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Nếu VEC đề xuất hợp tác với nhà đầu tư để thực hiện dự án nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp với quy định, Nhà nước sẽ không thu được lợi ích cao nhất từ đất đai.
Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh, trường hợp đất đai được giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, không đưa đất vào sử dụng, VEC được gia hạn thêm 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền sử dụng đất tương ứng thời gian gia hạn. Nếu hết thời gian được gia hạn, VEC không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.
Chiếu theo quy định của Luật Đất đai, VEC được giao đất từ năm 2008, nhưng đến nay sau 10 năm vẫn không triển khai dự án, khu đất 43.550m2 đã giao cho VEC tại lô 20-E4 khu đô thị mới Cầu Giấy thuộc trường hợp phải thu hồi. Việc đề xuất hợp tác với nhà đầu tư khác thông qua góp vốn bằng quyền phát triển dự án trên khu đất theo đề xuất của VEC là không phù hợp.