04/04/2023 9:33 AM
Đây là một trong các giải pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với Chính phủ nỗ lực thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023.

Chiều 3/4, họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức với sự chủ trì của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Trước câu hỏi về kết quả tăng trưởng quý 1 thấp hơn dự báo, các giải pháp trong thời gian tới ra sao, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho rằng, tăng trưởng GDP của quý 1 đạt mức thấp. Điều này phản ánh thực tiễn đúng theo những gì đánh giá khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023.

“Lúc đó nhận định về bối cảnh tình hình cho thấy khó khăn thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Thực tế đã diễn ra đúng như nhận định, thậm chí những khó khăn, thách thức còn lớn hơn những gì chúng ta dự kiến”, ông Phương cho biết.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: VGP

Do vậy, giải pháp trọng tâm là giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Thêm nữa là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cần phải nhạy bén, linh hoạt để vừa kiểm soát có hiệu quả và vừa cung cấp đủ nguồn lực cho nền kinh tế.

“Cần lấy tăng trưởng khu vực thuận lợi bù đắp khu vực khó khăn. Trong đó khu vực chế biến chế tạo gặp khó thì nông nghiệp, dịch vụ cần thúc đẩy hơn để chống đỡ các giảm sút của sản xuất. Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thị trường trong nước”, ông Phương nói.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, khu vực sản xuất chế biến, chế tạo gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng ở mức thấp, tăng trưởng âm. Vì thế, những động lực còn lại cần phải quan tâm hơn với nông nghiệp là trụ đỡ. Dịch vụ tăng trưởng tốt, do vậy tập trung vào lĩnh vực dịch vụ để đỡ bớt cho các lĩnh vực khác.

Trong lĩnh vực đầu tư, đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Ở đây, vai trò của đầu tư công hết sức lớn và Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là giải pháp then chốt trong động lực về đầu tư và tăng trưởng.

Đặc biệt trong kiến nghị lần này, ông Phương cho biết bộ đã tham mưu một giải pháp khá mới trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tất cả các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đó là tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở. Ở Trung ương, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt việc thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, tổ công tác đặc biệt. Kiến nghị các địa phương cũng thành lập các tổ công tác đặc biệt như vậy, tập trung giải quyết thẳng vào các dự án, các doanh nghiệp đầu tư đang gặp khó khăn, vướng mắc tại địa phương để có cơ hội ổn định sản xuất, kinh doanh.

Về chi tiết Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, trong đó thể hiện cụ thể những giải pháp, có phân công cho từng cơ quan, bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

Trước đó vào tháng 11/2022, tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản sẽ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng.

Cùng với tổ trưởng là bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ có tổ phó là ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Sinh - thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Tổ công tác sẽ có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp ở Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành trực thuộc trung ương.Tổng hợp báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Ngoài ra, tổ công tác cũng sẽ tổng hợp, tham mưu Thủ tướng báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền Thủ tướng. Đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan cũng như tham mưu, kiến nghị các cấp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.