16/02/2022 3:12 PM
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã giao cơ quan lập quy hoạch (Cục Hàng không Việt Nam) và tư vấn rà soát, nghiên cứu các phương án phát triển, mở rộng đối với cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cảng hàng không Chu Lai. Đồng thời tính toán, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá ưu nhược điểm của từng phương án để đề xuất phương án quy hoạch tối ưu, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không cũng như bảo đảm không lãng phí nguồn lực đầu tư.

Theo đó, Bộ GTVT đã đánh giá và đề xuất phương án điều chỉnh định hướng quy hoạch cụm CHKQT Đà Nẵng, CHK Chu Lai.

Bộ GTVT cho biết, đối với CHKQT Đà Nẵng, đến năm 2030 để đảm bảo công suất 25 triệu hành khách/năm cần thực hiện các thủ tục chuyển đổi khá nhiều diện tích đất do quốc phòng đang quản lý sang đất hàng không dân dụng và thủ tục sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà đất với nguồn lực đầu tư tương đối lớn, thời gian đầu tư bị kéo dài. Năng lực tối đa nếu mở rộng không thể vượt quá 30 triệu hành khách và hàng hóa chỉ tối đa đến khoảng 150 ngàn tấn.

Cảng hàng không Chu Lai, Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình

Đối với CHK Chu Lai hiện nay có quỹ đất dự trữ rộng, không nằm trong khu vực đô thị, bảo đảm khả năng phát triển với tầm nhìn dài hạn; hiện trạng đất đai do Bộ Quốc phòng quản lý và ít công trình hiện hữu trên đất. CHK Chu Lai có nhiều thuận lợi để phát triển (trong trường hợp được Bộ Quốc phòng bàn giao đất phục vụ phát triển hàng không dân dụng), mở rộng trở thành định hướng hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế, trung tâm sửa chữa tàu bay lớn của khu vực, có khả năng phục vụ các hãng không nước ngoài.

Bộ GTVT cũng cho biết, thời gian di chuyển từ CHK Chu Lai đến thành phố Đà Nẵng tương đối hợp lý khi đã hoàn thành đưa vào khai thác tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; bảo đảm khả năng hỗ trợ, chia sẻ lưu lượng và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khu vực miền Trung.

Trên cơ sở đó, các đơn vị đã đề xuất phương án quy hoạch đối với cụm CHKQT Đà Nẵng và CHK Chu Lai.

Cụ thể, quy hoạch CHKQT Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030 đạt công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm (có thể điều hành, tổ chức khai thác với công suất khoảng 25 triệu hành khách/năm); tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm.

Qũy đất rộng tại cảng hàng không Chu Lai Ảnh: Lê Phước Bình

Quy hoạch CHKQT Chu Lai để từng bước đáp ứng vai trò định hướng của Cảng nói riêng và nhu cầu vận tải hàng không khu vực miền Trung nói chung; giai đoạn đến năm 2030 đạt công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm; định hướng hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế, trung tâm sửa chữa tàu bay lớn của khu vực, có khả năng phục vụ các hãng không nước ngoài.

Với phương án nêu trên, giai đoạn đến năm 2030, CHKQT Đà Nẵng chỉ cần mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu, xây dựng thêm sân đỗ tàu bay; CHK Chu Lai cần đầu tư xây dựng nhà ga hành khách mới, đường cất hạ cánh và hệ thống đường lăn, sân đỗ đồng bộ để khai thác các loại tàu bay code E và phục vụ hoạt động quân sự.

Cũng theo Bộ GTVT, kinh phí đầu tư dự kiến theo phương án này khoảng 28.035 tỷ đồng, trong đó CHKQT Đà Nẵng dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 12.067 tỷ đồng và CHK Chu Lai dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 15.968 tỷ đồng.

Như vậy, phương án quy hoạch cụm 02 CHK miền Trung này bảo đảm định hướng phát triển, hiệu quả đầu tư, khai thác, thời gian thực hiện. Đồng thời phù hợp với dự báo nhu cầu vận tải và Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển chung Thành phố Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Những cảng hàng không nào được ưu tiên phát triển?

Dự thảo Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết, mục tiêu đến năm 2030, ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng Thành phố Hồ Chí Minh (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành).

Bên cạnh đó từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư 06 cảng hàng không mới để nâng tổng số cảng hàng không của cả nước đưa vào khai thác lên 28 cảng hàng không, tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 283 triệu hành khách, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km,...

Theo dự thảo, quy hoạch thời kỳ 2021 -2030 có 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc).

Và 14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).

Cùng với đó, tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Đồng thời, muc tiêu đến năm 2050 sẽ hình thành 02 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu tư đưa vào khai thác các cảng hàng không mới đảm bảo 100% dân số khu vực đồng bằng và 95% dân số khu vực miền núi có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.

Cũng theo dự thảo, có nhiều dự án thuộc danh mục những dự án quan trọng quốc gia và những dự án ưu tiên đầu tư.

Có thể kể đến như đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn đóng vai trò đầu mối như: Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có công suất 25 triệu hành khách/năm; xây dựng nhà ga T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất 20 triệu hành khách/năm; mở rộng nhà ga T2 - cảng hàng không quốc tế Nội Bài (nâng công suất lên 15 triệu hành khách/năm), Xây dựng đường cất hạ cánh số 3, nhà ga T3 – cảng hàng không quốc tế Nội Bài về phía Nam của Cảng ...

Đầu tư xây dựng mở rộng, xây dựng mới các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo như: Điện Biên, Sa Pa, Pleiku, Côn Đảo ...

Mở rộng các cảng hàng không đáp ứng nhu cầu vận tải: Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Phù Cát, Liên Khương ...

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng, được huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác,...

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.