Người mua bất động sản ở Việt Nam luôn có tâm lý mong tài sản đó sẽ tăng giá trị trong tương lai. Tuy nhiên, với việc bán căn hộ có thời hạn như đề xuất mới đây thì giá trị lại ngày càng giảm nên họ vẫn thờ ơ.

Chưa có cầu đã thấy cung

Trước khi Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra đề xuất bổ sung hình thức sở hữu nhà có thời hạn đã có nhiều doanh nghiệp triển khai dự án kiểu này. Một số dự án khác đã hoàn thành nhưng chưa bán hết cũng chuyển hướng sang phân khúc cho thuê để tạo dòng tiền, thay vì để nhà trống.

Trong lúc phần lớn dự án đang miệt mài đi tìm người mua, một số dự án đã chuyển sang thí điểm mô hình căn hộ cho thuê. Họ nhắm vào đối tượng là gia đình trẻ. Chẳng hạn, một dự án tại quận Bình Tân, TP.HCM, cho thuê căn hộ trong vòng 49 năm sau khi đã người thuê trả cho chủ đầu tư 350 triệu đồng.

Tại một triển lãm về bất động sản tổ chức vào cuối năm 2010 ở TP.HCM, giám đốc một doanh nghiệp địa ốc lớn cho biết, công ty này đang triển khai một dự án ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM), dự định sẽ chào bán giá cực sốc, 15 triệu đồng/m2, trong khi giá chung ở khu vực này là gần 30 triệu đồng/m2. Đổi lại, thay vì được làm chủ vĩnh viễn, người mua chỉ được sở hữu trong vòng 50 năm.

Nhà ở có thời hạn, mua nhà, sở hữu, thừa kế, tài sản, chung cư

Mặc dù vẫn có khách hàng quan tâm đến loại hình căn hộ này, song, không dễ để tạo thành kênh thanh khoản cho thị trường. Nhiều người cho rằng mua căn hộ có thời hạn chỉ là hình thức thuê nhà trả tiền một lần trong khoảng thời gian ở dài hơn, vì thế họ rất đắn đo trong việc xuống tiền.

Vì thế, hình thức bán nhà có thời hạn vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và chờ phản ứng của thị trường.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty Lê Thành, cho hay: “Tuy đã ra mắt nhưng chúng tôi vẫn đang tính toán mọi điểm rơi chính xác cho dự án. Mà câu trả lời đang chờ kết quả thử nghiệm chứ không thể tung ra ồ ạt. Việc tung ra loại hình căn hộ này cũng là thuốc thử đối với thị trường”.

Còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh phương thức này, song, điều dễ nhận thấy nhất vẫn là rào cản tâm lý. Thậm chí, nhiều người vẫn chưa hiểu rạch ròi về vấn đề mua nhà có thời hạn và thuê nhà khác nhau như thế nào.

Ở một khía cạnh khác, Luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TP.HCM, lại nhìn xa hơn về tính pháp lý sau khi hết thời hạn sở hữu nhà. Giải quyết thế nào về khối tài sản này sau khi hết hạn cho thuê? Quyền sử dụng đất của dự án ra sao?

Rào cản tâm lý

Trong khi các nhà quản lý cho rằng sẽ có nhiều lợi ích khi áp thời hạn sử dụng cho chung cư thì người dân lại ngần ngại với đề xuất này. Khi bỏ tiền ra mua một căn hộ, ngoài mục đích để ở nhiều người còn mong đó sẽ là tài sản có giá trị để phòng thân. Tuy vậy, nhà ở cho thuê chỉ đáp ứng giá trị về nhu cầu chỗ ở, bởi giá nhà tuy rẻ nhưng giá trị gia tăng lại không nhiều.

Anh Trần Công Nguyện, ngụ ở chung cư Phan Văn Trị, Gò Vấp, cho hay: “Hiện tôi đang thuê nhà chung cư và muốn tìm những căn hộ phù hợp để mua. Nói thật chứ tôi không chấp nhận việc mua một căn hộ có thời hạn, vì khi bỏ số tiền lớn ra mua nhà tôi muốn có sổ hồng trong tay. Đó là điều tối thiểu để tới khi cần tiền mình có thể thế chấp được. Còn với trường hợp nhà có thời hạn thì khó mà thực hiện được điều này.”

Mặc dù các nước trên thế giới đều áp dụng thời hạn khi mua, thuê chung cư (như ở Mỹ là 50 năm), chỉ có nhà đất riêng lẻ mới được sở hữu vô thời hạn, song ở Việt Nam, người dân lâu nay có thói quen mua nhà sở hữu vĩnh viễn rồi làm tài sản thừa kế. Phải “an cư” mới “lạc nghiệp”.

Trên phương diện này, ông Phùng Văn Năng, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Nam Việt, phân tích: “Giá nghe thì hấp dẫn, nhưng nhà không thể thế chấp được lại chẳng được làm tài sản kế thừa. Ít người chấp nhận việc bỏ số tiền lớn sở hữu căn nhà mà không để lại được cho con cháu. Ngoài ra, tâm lý chung người dân Việt Nam mong muốn sở hữu nhà thì tài sản phải được tăng lên trong tương lai, nay mua nhà sử dụng có thời hạn thì giá trị ngày một giảm. Đó là điểm trừ khiến người dân không mặn mà với loại hình căn hộ này”.

Nam Phong (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.