09/03/2016 3:36 PM
CafeLand – Bộ Công thương vừa có quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam. Mức thuế tương đối là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài. Sau thời gian gần đây ngành sản xuất thép trong nước lao đao, quyết định này được kỳ vọng như một giải pháp hữu hiệu để “cứu” ngành thép trước cơn bão hàng nhập khẩu giá rẻ.

Thiệt hại nghiêm trọng

Chỉ trong vòng mấy tháng gần đây, Bộ Công thương liên tục tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với nhiều sản phẩm thép nhập khẩu giá rẻ vào Việt Nam. Gần đây nhất, vào ngày 7/3 cơ quan này đã ban hành quyết định việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài.

Theo đó, trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng là mức thuế tương đối là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài. Biện pháp này được áp dụng tối đa đến hết ngày 27/10/2016 và hết hiệu lực khi có quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.

Theo Bộ Công thương, việc chậm áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và khó có thể khắc phục được.

Cơ sở để đưa ra quyết định áp thuế tự vệ nhập khẩu tạm thời, theo Bộ Công thương là lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu từ các nước, trong đó chủ yếu là Trung Quốc gần đây gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép trong nước.

Cụ thể, trong giai đoạn 2013 – 2015, tốc độ gia tăng của phôi thép nhập khẩu luôn gia tăng rất nhiều so với tốc độ tăng lượng bán hàng trên thị trường nội địa của ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, tăng đến 218% trong năm 2015. Đối với sản phẩm thép dài cũng tăng mạnh.

Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong nước. Thị phần của ngành sản xuất trong nước đối với cả phôi thép và thép dài đều sụt giảm tương ứng với thị phần gia tăng của hàng nhập khẩu. Tình hình tồn kho của 2 mặt hàng này diễn biến phức tạp trong năm 2015, tăng 37% đối với phôi thép và 39% với thép dài.

Đáng chú ý là doanh thu bán hàng và lợi nhuận giảm xuống, các nhà sản xuất phôi thép trong nước lỗ mạnh trong khi năm 2014 vẫn có lãi. Số lao động cả trong 2 ngành này đều giảm so với trước.

Bộ Công thương lo ngại, hoạt động sản xuất trong nước không có biến động và tương đối ổn định trong giai đoạn 2011 – 2014. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2015, qua phân tích đánh giá các chỉ số thiệt hại đã cho thấy hoạt động sản xuất trong nước bị sụt giảm rõ rệt. Ngành thép nội địa phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là do nhập khẩu gia tăng nhanh và đột biến trong khoảng 1 năm trở lại đây.

Nếu tình hình này tiếp diễn, ngành sản xuất phôi thép và thép dài trong nước sẽ không tránh khỏi việc bị mất thị phần khiến doanh thu, lợi nhuận giảm và sản xuất bị đình đốn.

Áp thuế để cứu ngành thép

Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam gần đây không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho ngành thép trong nước mà các doanh nghiệp sản xuất nội địa cũng lao đao, thậm chí đối mặt với nguy cơ bị phá sản.

Theo Bộ Công thương, việc chậm áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và khó có thể khắc phục được.

Do đó, việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tăng thuế nhập khẩu đối với phôi thép và thép dài ngày 7/3 vừa qua được kỳ vọng là giải pháp để hạn chế tình trạng bất lợi cho ngành thép trong nước hiện nay trong bối cảnh hàng nhập khẩu gia tăng đột biến.

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời do có lượng xuất khẩu vào Việt Nam không đáng kể

Mặc dù trước đó, thông tin tiến hành điều tra áp thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài của Bộ Công thương đã gây ra tranh cãi gay gắt giữa nội bộ các nhóm doanh nghiệp thép trong nước bởi xung đột lợi ích.

Cụ thể, nhóm gồm 4 công ty thép trong nước gồm Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, Công ty Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt Ý nộp hồ sơ lên Bộ Công thương yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu. Các doanh nghiệp này đề nghị nên tăng thuế suất lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu để bảo vệ ngành thép trong nước trước việc lượng nhập khẩu tăng quá nhanh.

Trái với đề nghị trên, 6 doanh nghiệp thép khác đồng loạt có ý kiến phản đối. Họ cho rằng, không nên điều tra áp thuế tự vệ vì sẽ khiến giá thép tăng.

Trên thực tế, phần lớn đây là các doanh nghiệp không sản xuất mà phải nhập khẩu toàn bộ phôi thép. Do đó, nếu áp thuế nhập khẩu, họ sẽ không còn mua được phôi thép với giá rẻ nữa, kéo theo đó là giá bán thép thành phẩm ra thị trường cũng bị đẩy lên. Gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Trả lời báo chí, ông Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công Thương) sau đó cũng đã lên tiếng khẳng định việc xung đột lợi ích giữa các bên trong vấn đề này là dễ hiểu. Tuy nhiên, các nhà sản xuất trong nước đã nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, chứng minh được các dấu hiệu về nhập khẩu gia tăng đột biến dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thì Bộ Công thương phải thụ lý và ra quyết định điều tra.

Thép nhập khẩu tăng đột biến do đâu?

Theo Bộ Công thương, nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng đột biến thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam gần đây chủ yếu là do việc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc trong thời gian qua và sự dư thừa công suất cũng như sản lượng thực tế kết hợp với lượng thép tốn kho lớn.

Bên cạnh đó, trong năm 2015, Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu, trong đó có mặt hàng thép từ nước này trở nên rẻ hơn, gây khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, một số nước liên tục áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu cũng được xem là “những diễn biến không lường trước” và là nguyên nhân lý giải sự gia tăng đột biến hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.