Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Bình Định đã thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công rất hiệu quả với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 42% và 66,4 % vốn ODA, là tỉ lệ cao nhất cả nước.

Bình Định

Ảnh minh họa.

Trung bình cả nước hiện nay, lần lượt các chỉ số này khoảng 33% và 12%.

Mặc dù chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, theo đánh giá của Sở KH&ĐT, thời gian qua, hầu hết các chủ đầu tư dự án lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh, Ban quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh có tỷ lệ giải ngân khá cao.

Nhờ đó, các công trình, dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng theo kế hoạch đề ra; đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm như tuyến QL 19 mới, tuyến đường phía Tây tỉnh (ĐT 638)...

Về vốn ODA và vốn vay ưu đãi, hiện tỉnh Bình Định đang triển khai thực hiện 10 dự án ODA thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: Lĩnh vực Môi trường 1 dự án; lĩnh vực Giáo dục 2 dự án; lĩnh vực Y tế 1 dự án (đã bố trí vốn nhưng chưa ký Hiệp định); lĩnh vực Nông nghiệp 5 dự án; lĩnh vực Giao thông 1dự án. Đến ngày 30/6/2020, tổng vốn ODA, tỉnh đã giải ngân hơn 601 tỷ đồng đồng, đạt 66,4% kế hoạch năm. Dự kiến đến ngày 31/12/2020 sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch năm.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Bình Định đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tư vấn của ADB xây dựng dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) - dự án thành phần tỉnh Bình Định” để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng phối hợp các nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) xây dựng đề xuất một số dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án để có cơ sở triển khai.

Cụ thể: Dự án “Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Bình Định” sử dụng vốn vay của WB, với tổng mức đầu tư khoảng 3.072 tỷ đồng; dự án “Phát triển thủy sản bền vững” sử dụng vốn vay của WB, với tổng mức đầu tư khoảng 648 tỷ đồng; dự án “Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng tới tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu TX Hoài Nhơn”, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của AFD, với tổng mức đầu tư khoảng 874 tỷ đồng; dự án “Khôi phục rừng và quản lý bền vững rừng phòng hộ, rừng đặc dụng” sử dụng vốn vay của Ngân hàng tái thiết Đức, với tổng mức đầu tư khoảng 108 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công là một trong 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp vực dậy nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chủ động rà soát, cắt giảm tối đa các khoản chi không hiệu quả, không phù hợp, chưa cần thiết để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở thống nhất với các nhà tài trợ.

Việc sử dụng tốt nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA và vốn vay ưu đãi trên địa bàn đã tạo động lực cơ bản trong thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo; tăng cường năng lực tiếp cận và chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến và đáp ứng nhu cầu bức thiết về xây dựng cơ sở hạ tầng... Tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Định

Quang Khánh (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.