Ông Nhất cho biết, mặc dù có đầy đủ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất hợp pháp từ năm 1956, thế nhưng không hiểu sao năm 1980, chính quyền lại cắt một phần đất của ông đem cấp cho người khác. Bức xúc, ông Nhất đâm đơn kiện đòi quyền lợi, nhưng suốt 30 năm qua, chính quyền không giải quyết.
Ông Nhất kêu cứu tới toà soạn Pháp luật Plus.
Quyền sở hữu hợp pháp
Nguyên đơn vụ kiện kéo dài 3 thập niên là ông Trần Duy Nhất (xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Ông cho rằng, chính quyền cắt đất của ông rồi đem cấp cho ông Huỳnh Ngọc Lan và gia đình bà Nguyễn Thị Liên ngụ cùng xã là vi phạm pháp luật, xâm phạm tới tài sản có chủ hợp pháp.
Ông Trần Duy Nhất trình bày: “Trước đây cha mẹ tôi mua mảnh đất của ông Huỳnh Thống với diện tích là 1 mẫu 7 sào 4 thước giao bằng sổ địa chính số hiệu mảnh đất 151. Sau đó cha mẹ tôi mua tiếp của ông Huỳnh Nhạc có diện tích là 1 sào 16 thước giao bằng sổ địa chính số hiệu miếng đất 250, rồi mua tiếp mảnh đất của ông Huỳnh Đấy và bà Nguyễn Thị Điểu có diện tích là 3 sào 3 thước mua bằng giấy viết tay vào năm 1956. Sau đó, toàn bộ số đất trên đã được cha mẹ tôi để lại cho tôi thừa kế và sử dụng được lập theo tờ di chúc vào ngày 16/9/1992.
Di chúc cha mẹ để lại đất cho ông Nhất.
Sau đó ngày 9/5/1997, gia đình tôi được UBND huyện Hoài Nhơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02854 QSDĐ/A13 với diện tích được quyền sử dụng là 6024m2 với tờ bản đồ số 7 tương ứng với các thửa 615 diện tích đất là 912m2, số thửa 403 diện tích đất là 1280m2, số thửa 401 diện tích đất là 1456m2, số thửa 402 diện tích đất là 1504m2, số thửa 582 diện tích đất là 672m2, số thửa 495 diện tích đất là 200m2. Thế nhưng, chính quyền đã cấp thiếu cho gia đình tôi ở số thửa 495 đúng ra diện tích phải là 1250m2 chứ không phải 200m2”.
Giải thích cho lý do trên ông Nhất bức xúc nói: “Toàn bộ diện tích đất trên số thửa 582 tờ bản đồ số 7 là cha mẹ tôi mua của ông Huỳnh Đấy và bà Nguyễn Thị Điểu là 3 sào 3 thước tương đương với 1248m2, có giấy tờ viết tay mua bán năm 1956 đượcchính quyền thời đó công nhận. Gia đình chúng tôi sử dụng ổn định từ đó đến sau năm 1975”.
3 thập niên “dài cổ” đòi đất, chính quyền không xử lý dứt điểm
Nhưng đến năm 1980 thì xảy ra chuyện ông Huỳnh Ngọc Lan và gia đình bà Nguyễn Thị Liên đến trồng cây trên diện tích đất của gia đình. Cũng từ những năm đó gia đình liên tục khiếu nại đến chính quyền nhưng cũng không được giải quyết thỏa đáng.
Đùng một cái năm 1997 gia đình được UBND huyện Hoài Nhơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02854 QSDĐ/A13 thì diện tích của thửa 582 tờ bản đồ số 7 lại chỉ còn 200m2”.
Ông Nhất nói tiếp: “Đất đang ở diện tranh chấp nhưng sao chính quyền lại tách thửa đất của tôi ra làm 3 mảnh và cấp quyền sở hữu cho hai người khác. Trong khi đó gia đình tôi có chủ quyền sở hữu bằng thực tế là ba mẹ tôi đã trồng hàng dừa bao quanh mảnh đất, đến nay hàng dừa đó vẫn còn. Điều này đã gây bức xúc cho gia đình tôi và dư luận của địa phương”.
Cũng trong đơn kêu cứu thì ông Nhất cho biết, từ năm 1976 đến năm 1990 gia đình ông không đưa đất vào hợp tác xã, nhưng ngày 3/8/1980 hợp tác xã Giao An cho người đến chiếm diện tích đất ruộng trên của ông khi đang vào vụ thu hoạch.
Về vụ việc này, phóng viên Pháp luật Plus đã trao đổi với đại diện Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Hoài Nhơn, thì một vị cán bộ phòng này cho biết: “Sự việc liên quan đến tranh chấp giữa hộ ông Nhất và các bên liên quan đã được chính quyền nhiều lần xử lý. Thời gian tới phòng sẽ xuống đo đạc thực tế và kết hợp với lãnh đạo UBND xã Hoài Tân mời những hộ có liên quan ra thực địa”.
Vụ khiếu kiện, tranh chấp trên đã kéo dài hơn 30 năm nhưng nhiều cấp chính quyền vẫn chưa xử lý được dứt điểm. Ông Nhất, người có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp mảnh đất trên từ năm 1956 đến khi đất đột nhiên bị chính quyền cấp cho người khác, vẫn ngày ngày gõ cửa các cơ quan chức năng để khiếu kiện.
Đề nghị chính quyền huyện Hoài Nhơn, xã Hoài Tân cần thẳng thắn nhìn nhận, giải quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Nhất.
Nguyễn Luân (Pháp luật +)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.