05/03/2020 1:56 PM
Đó là nguyên nhân vi phạm hành chính về xây dựng, đất đai tại huyện Bình Chánh được phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nêu ra tại Buổi khảo sát của Đoàn đại biểu quốc hội TP về tình hình thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính vào sáng 5-3.

Toàn cảnh buổi khảo sát - Ảnh: Tuyết Mai

6 năm có hơn 33.000 vụ vi phạm

Tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Văn Tài - phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết trong 6 năm, số vụ vi phạm hành chính bị phát hiện trên địa bàn huyện Bình Chánh là hơn 33.000 vụ, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, môi trường, đất đai, xây dựng, trật tự xã hội.

Tuy nhiên, do quy định pháp luật còn bất cập nên việc vận dụng các quy định để xử phạt còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, khoản 2 Điều 88 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định hoàn trả chi phí về việc tổ chức cưỡng chế nhưng người bị cưỡng chế không có kinh phí để hoàn trả, gây tốn kém cho nhà nước.

Xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, giao thông đường bộ khó thực hiện do người vi phạm đa số chỉ tạm trú khi bị xử phạt thì không chấp hành mà bỏ đi nơi khác, số tang vật bị tạm giữ có giá trị thấp hơn so với số tiền phạt.

Phần lớn các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại, môi trường với số tiền phạt cao nên các đối tượng không chấp hành hoặc không đủ điều kiện đóng phạt, các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường vẫn chây ỳ, cố tình đối phó với cơ quan nhà nước bằng hành thức thủ đoạn tinh vi hơn.

Nhiều doanh nghiệp bị xử phạt số tiền lớn đã tự giải thể sau đó lập doanh nghiệp khác để trốn tránh nghĩa vụ nộp phạt.

Ông Nguyễn Văn Tài phát biểu tại buổi khảo sát - Ảnh: Tuyết Mai

Ông Tài thông tin thêm số lượng vi phạm hành chính hiện nay trên địa bàn huyện chủ yếu là trong lĩnh vực giao thông, song vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cũng có nhiều.

Do trên địa bàn huyện có rất nhiều dự án kinh tế xã hội, nhà ở mà không phải chủ đầu tư nào cũng đảm bảo tiến độ. Từ khi chia tách đến nay, Bình Chánh vẫn sử dụng đề án quy hoạch chung. Mỗi năm dân số tăng 40.000 người nhưng quy hoạch vẫn vậy.

Nhà ở không có, chỗ ở không có nhưng dân lại đông. Nhiều dự án 24 năm nhưng vẫn chưa triển khai bồi thường nên người dân chia đất cho con, xây dựng, chuyển nhượng đất bằng giấy tay.

Không đủ cán bộ để xử lý

Tại buổi làm việc, ông Hồ Phú Quyền - chủ tịch UBND xã Lê Anh Xuân - phản ánh việc xử lý vi phạm hành chính trong gặp khó khăn về thẩm quyền xử phạt. Hiện nay, thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND xã là 5 triệu đồng là rất thấp cần tăng lên thành 10 triệu đồng.

Riêng đối với vi phạm về môi trường, việc xử phạt thuộc thẩm quyền của cấp huyện và phải có bằng chứng thông qua việc đo độ ô nhiễm. Khi phát hiện phải mời huyện và các đơn vị đi kèm xuống lấy mẫu đo đạc. Do đó, ông Quyền kiến nghị cần phải trang bị trang thiết bị cho cấp xã để đảm bảo việc xử lý vi phạm kịp thời.

Theo ông Quyền, trước đây Nghị định 180 có quy định xử "nóng" nên việc xử lý vi phạm rất nhanh. Nhưng hiện nay phải xử lý theo Nghị định 139, Nghị định 91 thì phải làm theo quy trình như lập biên bản, ra quyết định xử phạt... mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, đặc thù địa bàn rộng, 3.500 ha chỉ có 3 cán bộ có thể xử phạt.

Thượng tá Trần Đức Thắng, phó trưởng công an huyện Bình Chánh - Ảnh: Tuyết Mai

Thượng tá Trần Đức Thắng - phó trưởng công an huyện Bình Chánh cho biết hiện nay vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn là rất lớn.

Khi nghị định 100 có hiệu lực, mức phạt cao nên chủ phương tiện bỏ xe không đến nhận lại dẫn đến kho tạm giữ phương tiện quá tải nhưng vướng mắc quy định nên không thể xử lý được.

Ông Thắng cũng cho biết lực lượng công an rất ủng hộ nghị định này và kiên quyết xử lý vi phạm. Từ khi có nghị định 100, đến nay số vụ tai nạn giao thông giảm hơn 50% so với những năm trước.

Tuyết Mai (TTO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.