Bỏ lại vô khối méo mó về giá trị sản phẩm, trách nhiệm của chủ đầu tư hay sự thao túng của giới đầu cơ, phân khúc cao cấp đang chiều lòng giới khách hàng rủng rỉnh hầu bao. Ngoài mục đích để khẳng định đẳng cấp như số đông lao vào chung cư cao cấp, một bộ phận chỉ "kết" biệt thự với quan điểm thực tế.

Sở hữu biệt thự, chung cư cao cấp giữa đô thị Hà Nội, không còn khoanh vùng hạn hẹp ở đại gia lắm tiền nhiều của, nhân vật đình đám truyền thông. Tiện dụng, phục vụ đời sống hàng ngày tối ưu, đó là tư duy của lượng khách hàng trẻ - hiện đại tìm tới mảng hàng địa ốc cao cấp trị giá nhiều tỷ đồng.

Cao cấp nhưng… vẫn bị động

Dấu ấn của tác động chính sách quy hoạch tới thị trường nhà đất nói chung, phân khúc cao cấp trong nội đô nói riêng tới thời điểm hiện tại, vẫn là hạn chế phát triển chiều cao công trình trong địa bàn trung tâm đô thị.

Thời điểm 2014, nhiều dự án BĐS cao cấp trị giá tỷ đô chiếm giữ vị trí đắc địa giữa lòng Hà Nội bỗng chốc trở thành hàng quý hiếm. Tiến độ không ăn nhập với hứa hẹn, nằm đắp chiếu dài dài với lý do "giấy tờ" nhưng không có đối thủ cạnh tranh (do quy định hạn chế tầm cao).

Những "kiệt tác" vượt thời gian của Tân Hoàng Minh đặt ở các quận Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy vì thế vẫn được giới đầu tư lẫn tầng lớp đại gia "để mắt" tới. Lần lượt Mandarin Garden, Discovery Complex, Thăng Long Number One, Hòa Bình GreenCity có lý do để gia tăng giá trị giao dịch thứ cấp.

Rồi Gold Mark City, Sun Square, HomeCity Trung Kính, Diamond Flower Tower, Tràng An Complex… cũng thể hiện mức giá cao vút với công thức càng gần trung tâm – càng đắt. Trải rộng mức giá từ 24 đến gần 33 triệu đồng/m2, căn hộ cao cấp diện tích từ trên 75m2 – 145m2 cứ mỗi khi được công bố, khai trương thì càng thể hiện độ khát hàng cao cấp nội đô của người Hà thành đang lên rất cao.

Phân khúc cao cấp đang chiều lòng giới khách hàng rủng rỉnh hầu bao.

Gần nhất, tháng 1 vừa qua, khi mới chỉ họp báo công bố Lễ khởi công dự án cao cấp ở Phùng Chí Kiên (quận Cầu Giấy), chủ đầu tư đã chắc chắn giá sẽ trên 30 triệu đồng/m2 khi đích bàn giao dự kiến là… quý I/2017.

Ở góc nhìn tiêu dùng, ông Đặng Tân, một nhà chơi chứng khoán "lão làng" chuyên các mã BĐS, cho biết đang "ngắm nghía" một số lựa chọn căn hộ chung cư cao cấp trong mức tài chính khoảng 5 tỷ đồng.

"Dự định và thừa khả năng mua căn đẹp, vị trí tốt ở nhiều dự án cao cấp, tôi vẫn chưa thể quyết vì còn e ngại nhiều vấn đề" – người này chia sẻ. Cụ thể, bên cạnh chuyện tiến độ chờ ngày về (phổ biến ở thị trường – PV), nhiều người có điều kiện như ông Tân đều thừa nhận một số ưu điểm của chung cư cao cấp: Giá trị rẻ hơn biệt thự (không bao gồm vùng ngoại vi tính từ vành đai 2,5 trở ra), an ninh tốt, dịch vụ tiện ích đảm bảo và yên tâm về chất lượng (so với chung cư giá rẻ, tái định cư).

Tuy nhiên, dù cao cấp cỡ Ciputra, The Manor hay "giát vàng" như Hòa Bình Green City, thì cuộc sống vẫn phụ thuộc vào đơn vị quản lý. Nối ám ảnh "thang máy rơi thình lình" lan rộng, là nguyên nhân chính yếu dẫn tới sự mất giá của chung cư (bao gồm cả cao cấp) trong mắt người giàu. Rõ nhất, thời gian gần đây, là cuộc sống khó thể an cư của nhiều người sinh sống ở Muberry Lane (Mộ Lao, Hà Đông) với tình cảnh thang máy, hệ thống báo cháy nhiều lần rơi tự do.

Biệt thự có khá hơn?

Trái lại, biệt thự "xoa dịu" được hầu hết trăn trở của Thượng đế trẻ mưu cầu độ cao cấp tương xứng với cuộc sống đảm bảo, giá trị đảm bảo theo biến động thời gian – thị trường.

Anh Hoàng Cương, một doanh nhân trẻ thuộc thế hệ 9x, tỏ ra tâm đắc với ngôi biệt thự mới "tậu" được ở quận Cầu Giấy. "Bỏ ra suýt soát 10 tỷ đồng nhưng đáng đồng tiền bát gạo. Chẳng lo chung đụng thang máy, không bị ban quản lý tòa nhà kiểm soát đủ thứ, lại thoải mái thay đổi thiết kế hay kiến trúc theo ý mình, đó là điều tôi thích nhất" – chủ căn biệt thự nằm gần dự án StarCity Lê Văn Lương nhìn nhận.

Thực tế, tìm hiểu qua nhiều chủ nhân biệt thự ở khu vực trung tâm, đa phần người sở hữu đều khẳng định không có ý định đầu tư hay sang nhượng. Theo đó, xét góc độ thanh khoản, chung cư cao cấp thường tốt hơn biệt thự (diễn biến thị trường thời gian qua). Người ưa chung cư cho rằng chi phí bảo dưỡng duy tu biệt thự luôn "tốn kém" hơn. Kẻ chuộng biệt thự cũng có lý: chi một lúc cả chục tỷ đồng để mua thì bỏ ra tới cả trăm triệu tiền "bảo trì" cũng… là chuyện nhỏ.

So sánh giữa hai sản phẩm cao cấp nêu trên rất khó tới hồi kết vì tùy thuộc vào giá trị, địa điểm hay… sở thích của từng người. Điều rõ nhất, là sức cầu biệt thự/chung cư cao cấp được thiết kế công phu, thi công đảm bảo chất lượng (với những nhà thầu danh tiếng cỡ khu vực) đang gia tăng.

Thậm chí, có chuyên gia địa ốc đã lạc quan, xu hướng mua – sở hữu cùng lúc hai dạng BĐS cao cấp sẽ được xác lập trong năm 2015.

Nguyễn Cảnh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.