Nhiều ngôi nhà cao tầng tại Cụm CNSXĐGMN Đồng Quang
Từ sản xuất, trông nom đến ở hẳn
Cụm công nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ (CNSXĐGMN) Đồng Quang tại phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) có những dãy nhà cao tầng hoành tráng mọc lên san sát, nhìn giống như một khu dân cư sầm uất. Các ngôi nhà này cao 3 - 4 tầng, bên ngoài có đắp hoa văn như nhà ở.
Ông Nguyễn Văn T, một người dân sống trong Cụm CNSXĐGMN Đồng Quang cho biết, trước kia, khi chưa có cụm công nghiệp này, người dân sản xuất trong nhà chật hẹp, không khí luôn ô nhiễm vì mùn cưa, sơn... Năm 2005, người dân làng nghề bắt đầu thuê đất ở Cụm CNSXĐGMN Đồng Quang để sản xuất. Theo đó, người dân xây nhà 3 tầng làm nhà văn phòng và xưởng sản xuất bên trong. Tuy nhiên, hiện nay, trong cụm công nghiệp làng nghề này, nhiều gia đình đã xây dựng nhà kiên cố để ở luôn tại đó.
Tại Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) cũng xảy ra tình trạng người dân xây dựng vượt mức cho phép. Theo quan sát của phóng viên, ngay bên cạnh nhiều xưởng sản xuất tái chế nhựa, các nhà cao tầng mọc lên và bên ngoài có kiểu dáng như nhà ở.
Bà Nguyễn Thị Th, một chủ cơ sở sản xuất trong Cụm công nghiệp làng nghề (CNLN) Minh Khai cho hay, khoảng 30 năm trước, người trong làng bắt đầu làm nghề tái chế nhựa tại nhà nên rất ô nhiễm. 10 năm qua, Cụm CNLN Minh Khai ra đời và người dân chuyển vào đây thuê đất để mở xưởng sản xuất. Tuy nhiên, trong Cụm CNLN này có nhiều gia đình xây dựng nhà cao tầng để làm văn phòng và chỗ ăn ở bên cạnh xưởng sản xuất. “Trung bình một xưởng sản xuất phải đầu tư khoảng 3 tỷ đồng tiền máy móc. Bởi vậy, nhiều người phải xây thêm tầng làm nhà ở gần xưởng sản xuất để còn trông giữ tài sản, máy móc và quản lý công nhân làm việc”, bà Th nói.
Hợp thức hóa thành khu đô thị?
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ xác nhận, ngay từ khi người dân vào thuê đất trong Cụm CNSXĐGMN Đồng Quang, các hộ dân đã có vi phạm trong xây dựng, sau đó dẫn tới vi phạm đồng loạt. “Khi sự việc xảy ra, phường chỉ có quyền lập biên bản, xử phạt hành chính tối đa là 5 triệu đồng và tạm dừng công trình. Nhưng nhiều khi người dân chỉ tạm dừng một thời gian, sau đó họ lại tiếp tục xây dựng”, ông Tạo cho biết.
Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên, năm 2019, UBND tỉnh Bắc Ninh tiến hành thanh tra về dự án Cụm CNSXĐGMN Đồng Quang. Theo kết luận thanh tra, Cụm công nghiệp làng nghề này đưa vào khai thác sử dụng năm 2005 có diện tích hơn 11,8 ha, với tỷ lệ lấp đầy 100%. Chủ đầu tư đã bàn giao toàn bộ 311 lô đất cho các tổ chức và cá nhân thuê để xây dựng nhà điều hành và xưởng sản xuất. “Hiện trạng kiến trúc xây dựng của các tổ chức, cá nhân thuê đất không đúng mẫu theo phương án kiến trúc trong hồ sơ quy hoạch được duyệt. Thực tế chủ yếu là nhà ở kết hợp cửa hàng trưng bày sản phẩm từ 2 - 5 tầng, còn lại là nhà xưởng, nhà kho…”, kết luận thanh tra nêu.
Kết luận thanh tra trên cũng nêu, chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý nhà nước về quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai để các sai phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng không được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Ngoài việc chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra sai phạm, kết luận thanh tra cũng kiến nghị: “Giao UBND thị xã Từ Sơn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư... xây dựng lộ trình chuyển đổi Cụm công nghiệp Đồng Quang thành khu đô thị”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Thúy, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Văn Lâm, Hưng Yên cho biết, hiện chưa có văn bản nào của cơ quan chức năng các cấp cho phép xây dựng nhà ở, chỉ cho phép xây dựng nhà điều hành trong Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai. Khi các cơ quan chức năng của huyện Văn Lâm phát hiện có hiện tượng người dân xây vượt chiều cao cho phép nên đã có ý kiến với chủ đầu tư trực tiếp quản lý, nhưng không giải quyết được tình trạng trên.
Sau đó, UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo thanh tra tỉnh vào cuộc. Trong kết luận thanh tra, đã xác định nhiều trường hợp vi phạm xây dựng tại Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai. “UBND huyện Văn Lâm hiện đã thành lập 3 tổ công tác đi rà soát từng hộ và có báo cáo các vi phạm để tỉnh cho chỉ đạo giải quyết”- ông Thúy cho biết.