Về việc đường sắt Cát Linh - Hà Đông 8 lần chậm tiến độ, Bí thư Hoàng Trung Hải nhận lỗi với cử tri khi TP chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị và đi lại của người dân.

Ngày 29/11, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Nhiều cử tri nhắc đến tình trạng sông, hồ mà điển hình là sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (phường Hạ Đình) đề xuất cần ứng dụng công nghệ hiện đại để con sông xanh, đẹp trở lại, giúp người dân có thẻ đi dạo sớm chiều và tổ chức bơi lội, du thuyền trên sông.

Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ảnh: Q.Hương.

Còn cử tri Tạ Hữu Kiện (phường Thanh Xuân Trung) đề nghị cơ quan chức năng công khai kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông. Ông cũng đề nghị TP đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm.

Việc chậm tiến độ của đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được cử tri Nguyễn Hồng Thuận (phường Thượng Đình) nhắc đến. “Lỡ hẹn đôi lần còn chấp nhận được, chứ lỡ hẹn 8 lần thì ngán ngẩm quá”, ông Tuấn nói và đề nghị thành phố chỉ đạo quyết liệt, sớm đưa tuyến đường sắt này đi vào vận hành, giải quyết cho tuyến đường Nguyễn Trãi đang trở thành điểm đen về ùn tắc giao thông.

Chia sẻ với ý kiến của cử tri, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh trong quá trình phát triển, những vấn đề tồn tại như vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông, chất lượng nước… là không bao giờ hết. Vấn đề là phát hiện ra mặt trái và xử lý tồn tại đó ra sao.

Ông cho biết việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành đang được thành phố xem xét. Qua rà soát, hiện có 117 cơ sở sản xuất ở 12 quận không đáp ứng quy hoạch và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần di dời.

“Song đây là việc vô cùng khó khăn, khi đưa cơ sở ô nhiễm ra thì phải giải quyết nguồn vốn cho họ. Trước đây thành phố cũng đã có quy định các cơ sở khi di dời thì lấy lại làm công cộng hết, bố trí giao thông tĩnh, chỗ đỗ xe, công viên, hồ nước… Nhưng ngân sách TP phải đủ để đáp ứng cho doanh nghiệp đó họ di dời, lo cho công nhân”, ông Hải nêu khó khăn.

Đường sát Cát Linh - Hà Đông đã 8 lần chậm tiến độ. Ảnh: Việt Linh.

Về dự án 8 lần chậm tiến độ Cát Linh - Hà Đông mà cử tri nhắc tới, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội nhận lỗi với cử tri vì thành phố chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và nhu cầu phát triển của đô thị.

Theo ông, nếu không giải quyết được hệ thống tuyến tàu điện ngầm và trên cao thì không cách gì giải quyết được giao thông của Hà Nội, kể cả có hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và tăng phương tiện công cộng.

Bí thư Hà Nội thừa nhận các dự án ngầm và trên cao triển khai rất chậm, vướng mắc rất nhiều cả về pháp luật lẫn việc triển khai của thành phố trong việc giải quyết chính sách về mặt bằng.

“Bản thân chúng tôi có lỗi”, ông Hải nói.

Hoài Vũ (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.