Cán bộ xã và huyện có nhà đất sai phạm sẽ phải trả lại đất cho địa phương. Tuy nhiên, thiệt hại này lại thuộc về các doanh nghiệp, với số tiền gần 10 tỷ đồng.

Nhà cán bộ trên đất nông nghiệp

UBND huyện Mỹ Đức xác định: Mảnh đất nằm ven Tỉnh lộ ĐT429 của ông Lê Đình Tuyến – phó phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Mỹ Đức và của ông Nguyễn Văn Sơn – Bí thư Đảng ủy xã, cùng một số mảnh đất của các cán bộ khác hoàn toàn không phải đất quốc phòng mà là đất nông nghiệp. Do đó, các cán bộ này phải hoàn trả lại cho địa phương để sung vào quỹ đất nông nghiệp chia lại cho bà con nông dân canh tác.

Trước đó, ông Lê Đình Tuyến và ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định với PV, các mảnh đất mà hai ông đã dựng nhà sàn và cho mượn làm xưởng cọc bê tông là đất quốc phòng. “Người dân thấy đất quốc phòng thì không dám vào, nên tôi vào dựng nhà” – ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm nói.
Thời hạn để di dời giải tỏa các công trình trên đất sai phạm là ngày 15/5, theo chỉ đạo của UBND huyện Mỹ Đức.

Làm khó doanh nghiệp?

Tuy nhiên, số đất trên đã được 3 doanh nghiệp thuê để sản xuất, kinh doanh, gồm Xưởng cọc bê tông Đông Á, Cty ADF Đồng Tâm và Cty TNHH sản xuất và xây dựng Miếu Môn.

Theo anh Lê Dũng – chủ Xưởng cọc bê tông Đông Á: Xã Đồng Tâm có vị trí rất thuận lợi về giao thông cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất vật liệu xây dựng tự đông kết. Chính vì vậy chúng tôi đã lựa chọn và thuê đất của các hộ dân trong xã cụ thể như của hộ ông: Nguyễn Văn Tới, Nguyễn Thị Sắt, Nguyễn Văn Đức, Lê Đình Tuyến…

Khi chúng tôi thuê, có rất nhiều nhà cửa, cây cối đã có từ lâu gây nên sự nhầm tưởng “đây là khu vực đã quy hoạch dành cho riêng cho phát triển tiểu thủ công nghiệp” và chúng tôi đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào khu đất thuê để xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, người cho thuê đều là cán bộ nên chúng tôi rất tin tưởng. Không ngờ, đến cuối tháng 4/2014, chúng tôi nhận được thông báo bắt buộc phải di dời do xây dựng trên đất nông nghiệp. Thời gian từ đó đến hạn ngày 15/5 quá gấp, chúng tôi không thể tìm thuê được địa điểm mới.

Trong đơn kiến nghị gửi báo Tiền Phong, 3 doanh nghiệp cho rằng: “Nếu nhà xưởng của chúng tôi bị phá dỡ thì gần 100 lao động sẽ thất nghiệp, bản thân doanh nghiệp thì bị giải thể, phá sản, nhà xưởng sẽ trở thành đống gạch đổ nát, toàn bộ khu đất trở thành cánh đồng chết do toàn gạch, cát, đá và các vật liệu không thể phân hủy”.

Nhà xưởng của Cty ADF Đồng Tâm.

Một số người dân xã Đồng Tâm cho biết, người dân đấu tranh để giành lại đất nông nghiệp mà cán bộ đã chiếm, không liên quan những công trình của doanh nghiệp. Do đó, việc chủ đất (là các cán bộ huyện và xã) bàn giao đất cho địa phương để chia lại cho dân là điều quan trọng nhất. Và người dân sẽ quyết định có giải tỏa các công trình của doanh nghiệp ra khỏi đất của họ hay tiếp tục cho doanh nghiệp thuê.

Đại diện 3 doanh nghiệp cho biết, mong muốn của họ là giữ lại được nhà xưởng khi đất đã được giao lại cho dân, hoặc có được khoảng thời gian dài hơn để tìm thuê địa điểm mới.

Trong cuộc họp sáng 2/5 tại UBND xã Đồng Tâm có sự tham dự của ông Hoàng Mạnh Sơn - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức bàn về công tác giải phóng mặt bằng, các chủ hộ cho thuê đất như Nguyễn Văn Tới, Nguyễn Thị Sắt, Nguyễn Văn Đức, Lê Đình Tuyến đã cam kết sẽ tự nguyện rút ra, sau đó bốc thăm cùng nhân dân khi tiến hành dồn ô đổi thửa.

Còn các tài sản gắn liền với đất như nhà xưởng, kho bãi... thuộc sở hữu của bên thuê, bên thuê sẽ tự thỏa thuận thuê lại của nhân dân khi bốc thăm đúng vào phần nhà xưởng, kho bãi đó; hoặc chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp.

Có lẽ, đó sẽ là cái kết đẹp cho cuộc đấu tranh giành lại đất sản xuất của người dân xã Đồng Tâm nhiều năm qua.

Trần Thanh (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.