Chị Thu Phương, một khách hàng ở Hà Nội, đang có nhu cầu mua một căn hộ phía Tây rộng khoảng 65 m2 giá hơn 16 triệu đồng mỗi m2. Biết rõ dự án đang chậm tiến độ nhưng chị vẫn chấp nhận mua vì mới tích cóp được hơn 700 triệu đồng.
"Nếu đóng cả cục, căn hộ lên tới hơn 1 tỷ đồng. Tìm hiểu kỹ các nguồn, biết nhà chỉ chậm tiến độ khoảng 3-4 tháng nên tôi chấp nhận mua", chị chia sẻ. Theo chị Phương, những khách hàng mua thực để ở như chị chỉ chấp nhận mua những căn hộ chậm khoảng vài ba tháng.
Địa ốc càng khó khăn càng nảy sinh nhiều câu chuyện bi hài. Ảnh: Hoàng Lan.
Mua nhà theo tiến độ chậm quá cũng "chết" mà nhanh quá cũng không xong. Chị Quỳnh, một khách hàng cũng cho biết, chị đang sống dở chết dở với căn hộ xây theo tiến độ. Mua từ thời điểm giá chỉ có 18 triệu đồng mỗi m2 để đầu tư, đến nay, nhà đã xây gần xong, tiền đóng tới 80%, sắp đóng đợt mới nhưng đúng lúc thị trường chững, nhà không bán được nên dù chủ đầu tư gửi công văn giục giã, chị vẫn lờ đi để tìm cách "xoay".
Mới đây, chủ đầu tư một dự án gần khu vực Thanh Trì bị khách hàng dọa kiện vì xây nhà nhanh quá so với tiến độ yêu cầu. Trong hợp đồng ghi rõ, dự án được bàn giao nhà vào quý III/2014 song chủ đầu tư cho biết đến cuối năm 2013, nhà đã xây xong. Một tòa khác, hợp đồng ghi quý I/2015 mới bàn giao thì đến tháng 10 năm nay đã bàn giao nhà. Khách hàng chỉ còn biết choáng váng vì chẳng đủ thu xếp tiền.
Anh Trần Phong, một khách hàng cho biết, vì chủ đầu tư xây quá "thần tốc" nên chỉ trong vòng 3 tháng, anh đã phải đóng 200 triệu đồng. Sang tháng 3 sắp tới, anh lại phải tiếp tục đóng thêm một khoản tiền tương tự. Người mua nhà chậm tiến độ, chủ đầu tư sẽ phạt tới 20% nhưng nay chủ đầu tư xây nhà quá nhanh nên khách hàng phản đối. Chủ đầu tư đành nhún nhường cho khách hàng đóng tiền chậm tới 2 tháng so với hợp đồng cam kết. "Chậm một tý khách hàng còn xoay kịp, nhanh quá không biết vay ai. Trên diễn đàn của cộng đồng cư dân, một số người không xoay được tiền đành phải rao bán", anh tiết lộ.
Ông Quang Hưng, đại diện một chủ đầu tư có tiếng trong lĩnh vực bất động sản cho hay, vấn đề mấu chốt của bất động sản là khủng hoảng niềm tin dẫn đến những câu chuyện bi hài trong việc mua bán nhà theo tiến độ. Ở Việt Nam, chủ đầu tư thường xuyên chậm tiến độ, nên việc một vài doanh nghiệp xây đúng, thậm chí nhanh - vốn là một điều dĩ nhiên - bỗng trở thành điều ngạc nhiên cho không ít khách hàng.
Việc địa ốc thiếu niềm tin cũng khiến doanh nghiệp ngần ngại trong việc đầu tư, tung hàng, người mua hoang mang không biết thời điểm nào phù hợp để mua nhà. Ngân hàng không dám cho vay vì sợ nợ đẹp thành nợ xấu. "Một gia đình mà khi đưa ra quyết định, ai cũng sợ thì quyết định đó dù đúng đắn cũng rất khó thành công", ông Hưng ví von.
Hiện Việt Nam đang thiếu công ty định giá bất động sản chuyên nghiệp. Bởi vậy, theo ông Hưng, cơ quan quản lý cần thông báo hằng tháng, hằng quý, thậm chí hằng tuần các dự án bất động sản đủ tiêu chuẩn bán, đúng tiến độ để giúp khách hàng trở thành người mua nhà thông minh. Ngoài ra, việc huy động vốn phải được kiểm soát chặt chẽ, khi chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ, đủ vốn tự có mới được phép bán nhà. "Chỉ có vậy, những câu chuyện bi hài trong việc xây dựng bán nhà mới chấm dứt", ông Hưng nêu quan điểm.
Ông Ngô Thế Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản Vinh Gia đánh giá, địa ốc càng khó khăn càng có nhiều câu chuyện bi hài. Trước đây đã có công ty đã dọa kiện khách hàng vì không chịu nhận nhà, nay lại nảy sinh chuyện khách hàng dọa kiện chủ đầu tư vì xây quá nhanh. Chuyện xây nhà theo tiến độ mang tính chất bi hài vì trong bối cảnh thị trường chậm, những người đầu tư mong doanh nghiệp giãn tiến độ, còn người ở thực lại muốn nhà xây đúng tiến độ. Trong những trường hợp bất đồng ý kiến, chủ đầu tư và và khách hàng nên ngồi lại để cùng đưa ra cách giải quyết hài hòa giữa các bên.
-
Mỏi mòn chờ cấp giấy chủ quyền nhà - Kỳ 2: Dân thiệt đủ đường
Trong thời gian chờ được cấp giấy chủ quyền, người dân gần như bị đình trệ mọi giao dịch, từ mua bán đến thế chấp vay ngân hàng, thậm chí là di chúc thừa kế… <br/br>
-
Hàng trăm hécta đất nông - lâm nghiệp biến thành đất ở
Kết quả rà soát của UBND TP cho thấy, Hà Nội hiện có 56 Cty nông - lâm nghiệp, nông trường, lâm trường với tổng diện tích đất được giao khoảng 16.462,7ha. Đa số các nông - lâm trường này đều kinh doanh kém hiệu quả. Hiện có gần 111,41ha đất do các đơn vị này quản lý đang bị lấn chiếm hoặc bỏ hoang.
-
Dự án Hòa Bình Green City xây không phép
Sở Xây dựng Hà Nội vừa cho biết, dự án Hòa Bình Green City tại 505 Minh Khai, Hà Nội là dự án chung cư cao tầng nhưng không có giấy phép xây dựng. <br/br>