24/03/2012 12:39 AM
Khi thị trường bất động sản "đóng băng", nghề môi giới cũng trở nên long đong, không dễ kiếm ăn như trước. Tuy nhiên, cơ hội vẫn dành cho những "cò" có vốn và có thế lực...

Anh Trần Hùng, một "cò nhà đất" có máu mặt cho biết: Trước đây dẫn khách đi xem nhà đều thu lệ phí và nếu khách đồng ý thuê phải trả 50% tiền thuê nhà tháng đầu tiên cho văn phòng. Nay, xem nhà miễn phí, chỉ thu 30% giá tiền thuê nhà tháng đầu tiên mà cũng chẳng có khách nào. Tài sản tích lũy được trong thời gian hoàng kim của nghề "cò" đang dần cạn mà thị trường bất động sản vẫn im ắng. Rất có thể sắp tới văn phòng của Hùng phải đóng cửa. Có lẽ đây cũng là tình trạng chung của các văn phòng nhà đất trên địa bàn Thủ đô.


Bi hài chuyện “cò” bất động sản thời đóng băng

Một sàn giao dịch BĐS đường Trần Duy Hưng đang rao bán nhà


Tại khu vực Trần Duy Hưng, Nguyễn Khang (Hà Nội), mỏi mắt chúng tôi mới tìm được một văn phòng nhà đất đang làm việc, hầu hết các văn phòng khác đều trong tình trạng đóng cửa. Một nhân viên đang làm việc ở đây cho biết: Văn phòng nhà đất sinh ra chủ yếu là để làm cho các nhà đầu cơ (khoảng 60%), nhưng khi thị trường "đóng băng", lượng khách giao dịch giảm, nguồn thu cũng tụt giảm theo. Trong khi đó tiền thuê nhà, tiền lương nhân viên vẫn phải chi trả nên đóng cửa là lẽ tất yếu. Một số ý kiến cho rằng, có tới 70% trong số các văn phòng nhà đất không cầm cự được tới thời điểm hiện tại, trong đó, 30% "sống" được là do có một số thế lực đứng đằng sau tiêu thụ đất các khu dự án, khu chung cư trong lúc đa phần "đồng loại" của mình đang được liệt vào dạng ... "sách đỏ".


Gặp dịp, cò nhà đất phất như diều gặp gió. Giờ BĐS đóng băng, "mèo lại hoàn mèo", ai về việc nấy. Chị Hường (Thanh Xuân - Hà Nội) đang có một gia đình yên ấm và công việc ổn định trong một công ty nhà nước, đùng một cái mọi người thấy chị nộp đơn xin được nghỉ việc. Chả là sau một thời gian ngắn làm "cò nhà đất" chị gom góp được khoản tiền và có ý định mở văn phòng nhà đất để kinh doanh. Tính chuyên nghiệp đâu chưa thấy chỉ thấy những buổi cãi vã của vợ chồng ngày càng nhiều hơn, vợ chồng lục đục rồi ly thân. Công việc môi giới BĐS của chị cũng gặp nhiều khó khăn do thị trường đi xuống, văn phòng đóng cửa. Lúc này chị Hường quay về cầu cứu sự trợ giúp của chồng nhưng đã quá muộn...


Giống hoàn cảnh chị Hường, anh Thành, cán bộ tại một công ty xây dựng, có nhà cửa đàng hoàng tại Hà Nội nên cuộc sống cũng tạm ổn. Thời điểm đầu năm 2011, thị trường BĐS vẫn sôi động với các khu đất vùng ven Hà Nội như Ba Vì, Đông Anh, thị trấn Xuân Mai. Anh Thành cùng mấy ông bạn cắm sổ đỏ, vay tiền đầu tư. Hám lợi, muốn đánh quả này sẽ chuyển sang ở biệt thự nên anh quyết găm hàng, chờ thời. Nhưng thị trường bất động sản được ví như quả bong bóng đã đến lúc xì hơi khiến Thành và đám bạn “sống dở, chết dở”. Nhà đã cầm cố, đất cũng chẳng ai hỏi đến, số phận "ông hoàng", "đại gia" đất một thời rồi sẽ trôi về đâu...
Theo Người đưa tin
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.