Dấu hiệu khởi sắc
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện nay có khoảng 99 dự
án BĐS du lịch, trong đó nhiều nhất là Bình Thuận với 68 dự án, tiếp
theo là Đà Nẵng với 19 dự án.
Ngoài những địa phương có thế mạnh về du lịch như các tỉnh duyên hải miền trung, BĐS du lịch cũng âm thầm phát triển tại Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… dù mới chỉ dừng lại ở vài dự án lẻ tẻ và chưa nhận được sự quan tâm lớn của thị trường. Điều này cho thấy tại một số địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đang hứa hẹn một tiềm năng phát triển mới.
Dự báo của Tổng cục Du lịch cho biết trong năm 2012 Việt Nam sẽ thu
hút 6,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 6,3% so với năm 2011), phục vụ 32
triệu lượt khách nội địa (tăng 6,7% so với năm 2011), doanh thu đạt
khoảng 150.000 tỷ đồng (tăng 20,83% so với năm 2011).
Khi du lịch phát triển sẽ kéo theo nhu cầu mong muốn sở hữu BĐS nghỉ dưỡng tăng cao. Theo khảo sát mới đây của Savills Việt Nam, trong những yếu tố mang tính lựa chọn ưu tiên của người mua biệt thự nghỉ dưỡng, nhu cầu sở hữu biệt thự nhằm thỏa mãn phong cách sống chiếm đến 52,4%.
Bên cạnh đó, từ cách đây vài năm, đã có một dòng tiền đầu tư của giới
“thượng lưu” Hà Nội, TPHCM nhắm vào những vị trí đất đẹp, đắc địa và
quy hoạch thành điểm nghỉ dưỡng với quy mô từ vài đến vài chục căn biệt
thự. Điển hình như Đà Nẵng với 80% khách mua đến từ Hà Nội và 13% từ
TPHCM.
Do đó, dù thị trường đang trầm lắng nhưng BĐS nghỉ dưỡng vẫn trở thành xu thế thời thượng dành cho các nhà đầu tư và khách hàng cá nhân có tiềm lực về tài chính. Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng giám đốc Vinaconex ITC, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng sự phát triển của BĐS du lịch là tất yếu, bởi nhu cầu sống ngày càng cao của người dân cũng như sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch.
Theo nhận định của CBRE Việt Nam phân khúc này sẽ nhanh chóng tăng trưởng trong tương lai gần khi nhu cầu cuộc sống ngày càng được nâng cao.
Phải tính lâu dài
Trên thực tế, nước ta đã qua giai đoạn “loạn” phát triển BĐS du lịch.
Và hậu quả để lại là việc phá vỡ quy hoạch, băm nát các bãi biển, lãng
phí đất cũng như quá dư thừa cung. Những vùng biển đẹp của đất nước như
Hạ Long, Cát Bà, Đà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang, Côn Đảo… đang dần trở
thành thiên đường cho các khu biệt thự nghỉ dưỡng.
Thậm chí, hiện nay hầu như không còn đất dọc theo các bờ biển cho các
nhà đầu tư, đặc biệt ở các địa phương có sức hấp dẫn lớn, có cơ sở hạ
tầng tốt như Đà Nẵng, Bình Thuận.
"Loạn" phát triển BĐS du lịch đã làm vỡ quy hoạch, băm nát các bãi biển. Ảnh: LÃ ANH
Theo các chuyên gia BĐS, mặc dù từ đầu năm 2011 đến nay phân khúc BĐS
nghỉ dưỡng đã “yên sóng”, nhưng thực tế cho thấy những vướng mắc và bất
cập của phân khúc này chưa có nhiều cải thiện.
Ông Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng nước
ta chưa có nghiên cứu sâu cũng như thiếu quy hoạch tổng thể phát triển
BĐS du lịch, chưa có quy hoạch chi tiết cho từng vùng dẫn đến việc phát
triển tự phát, mất cân đối giữa các vùng miền; tập trung quá nhiều vào
phân khúc xây dựng các khu nghỉ dưỡng (resort) và cũng chỉ tại một số
địa phương, địa điểm như Mũi Né (Bình Thuận), dọc tuyến Đà Nẵng - Hội An
(Quảng Nam)… còn các phân khúc khác như khu vui chơi giải trí đồng bộ,
khu mua sắm, các điểm trung chuyển du lịch… vẫn chưa được chú trọng phát
triển.
Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về BĐS du lịch còn thiếu kinh nghiệm dẫn đến việc cấp hết đất các vị trí đắc địa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực thực hiện, dẫn đến việc bỏ hoang hoặc xung đột với cộng đồng, tình trạng cát cứ diễn ra phổ biến.
Cũng theo ông Thắng, việc phát triển BĐS du lịch là tất yếu, vì vậy
Nhà nước cần phải tính đến các phương án lâu dài, bền vững. Trước mắt,
cần phải có cơ quan nhà nước chuyên ngành làm công tác hậu kiểm, tiến
hành đánh giá thống kê lại toàn bộ thực trạng các dự án BĐS du lịch hiện
nay trên phạm vi toàn quốc, từ đó xây dựng quy hoạch cho phân khúc này
đồng thời gỡ rối cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải rà soát lại hệ
thống chính sách, pháp luật liên quan đến BĐS du lịch.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Ngọc Quang cho rằng ngoài việc
quy hoạch chặt chẽ, các địa phương cần đưa ra các gói chính sách cụ thể,
căn cứ vào đặc thù của địa phương để có thể định hướng phát triển một
cách rõ ràng, tránh đầu tư tràn lan nhưng kết quả thu được rất hạn chế.
Đồng thời, Nhà nước cần tạo điều kiện cho phân khúc này trong việc phát triển đồng bộ, kịp thời hạ tầng kỹ thuật, phối hợp với nhà đầu tư, địa phương để bảo vệ môi trường tự nhiên, tránh lãng phí đất…