Giá đất nền chủ yếu đi ngang, một số khu vực cắt lỗ mạnh từ 30 – 50%. Ảnh minh hoạ
Báo cáo thị trường bất động sản quý 3.2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá đất nền tại các tỉnh, thành từng xảy ra sốt ảo như Hòa Bình, Thái Nguyên có xu hướng đi ngang sau khi trải qua những đợt điều chỉnh giảm tương xứng với giá trị mang lại trong các quý trước.
Tại Hải Phòng, giao dịch đất nền vùng ven, nhà ở kinh doanh dưới 3 tỷ đồng sôi động, đặc biệt tại các quận trung tâm hay sát lõi trung tâm. Giá tăng khoảng 5% so với quý 1.
Đất nền đấu giá tại các huyện sát lõi trung tâm ghi nhận mức đấu trúng cao hơn 3-5 triệu đồng/m2, tỷ lệ hấp thụ 40-60%.
Tại Quảng Ninh, đất nền, đất thổ cư đã bắt đầu ghi nhận giao dịch. Tuy nhiên, mặt bằng gia đi ngang so với quý 2, giảm khoảng 30% so với đỉnh sốt. Đáng chú ý, một số dự án xa hẳn trung tâm, từng xảy ra sốt đất, mức giá giảm mạnh khoảng 50% tiếp tục được quan tâm với lượng giao dịch được cải thiện rõ rệt.
Theo VARS, niềm tin của nhà đầu tư Quảng Ninh đã bắt đầu phục hồi nhờ các thông tin tích cực từ thị trường, lãi suất giảm, du lịch phát triển,....
Đối với khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thống kê của VARS cho biết, trong quý 3.2023, khu vực này ghi nhận 5 dự án đất nền mở bán, cung cấp ra thị trường 230, giảm 25% so với quý 2.2023. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 10%, tương đương với 23 nền được giao dịch thành công.
Các dự án mở bán chỉ có tại Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ. Trong đó, Phú Thọ đứng đầu về nguồn cung đất nền mở bán toàn khu vực với 100 sản phẩm, tiếp theo sau là Hòa Bình với 90 sản phẩm.
Lạng Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phúc không ghi nhận nguồn cung mở bán mới.
Mặt bằng giá sơ cấp toàn khu vực duy trì ở mức ổn định so với quý 2.2023, trung bình 25,6 triệu đồng/m2.
Giao dịch đất nền đấu giá khu dân cư có giá trị khoảng 1-2 tỷ đồng/nền, ở Bắc Giang, Vĩnh Phúc, thấp hơn 30-40% so với giai đoạn trước, thanh khoản khá tốt
Tại Trung Trung Bộ, những sản phẩm đất nền phân lô nhỏ lẻ, thổ cư, đất đấu giá có giá bán từ 500-600 triệu/nền cũng ghi nhận mức thanh khoản tương đối ổn định. Nguyên nhân là do đây là loại sản phẩm phù hợp với tâm lý mua bất động sản có sổ, đáp ứng được nhu cầu ở thực.
Mặt bằng giá phân khúc đất nền sơ cấp toàn khu vực duy trì ở mức ổn định so với quý 2.2023. Các giao dịch tập trung ở nhóm dự án đã hoàn thiện pháp lý và có mức giá dao động khoảng 14 triệu đồng/m2 (đối với Quảng Nam) và khoảng 42 triệu đồng/m2 (đối với Đà Nẵng).
Tại Đắk Lắk, đất thổ cư, đất nền trong dân ghi nhận giao dịch với giá bán giảm. Mức giá trung bình từ 400-600 triệu/nền.
Đối với Lâm Đồng, VARS cho biết, lượng giao dịch đã quay trở lại nhưng vẫn giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là giao dịch cắt lỗ, khoảng 30% so với đỉnh sốt.
Theo VARS, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận hơn 2.500 giao dịch đất nền trong quý 3. Trong đó, đất nông nghiệp, đất vườn được rao bán rầm rộ với mức giá giảm từ 20%-50% tùy loại hình và vị trí vẫn khó bán.
Tại Hà Nội, đất nền có sổ, nhà ở kinh doanh dưới 2 tỷ đồng có lượng giao dịch tăng rõ rệt, nhất là ở những vùng được đầu tư hạ tầng hay khu vực liền kề các khu công nghiệp với giá bán tăng 5% - 7% so với quý trước.
Các quận huyện đã rục rịch tổ chức đấu giá đất. Theo đó, cùng với quyết định lên quận, đất đấu giá tại Đông Anh ghi nhận mức trúng lên tới 100 triệu đồng/m2, gần gấp đôi giá khởi điểm, dẫn dắt tăng giá cả khu vực.
Trong khi đó, tại Khánh Hoà, cụ thể là khu vực trung tâm thành phố Nha Trang, đất nền các khu đô thị ghi nhận giao dịch mua bán ở các lô đất giá trị dưới 2,5 tỷ đồng/lô, giảm 20-30% so với đỉnh sốt bởi nhà đầu tư cắt lỗ do gặp áp lực tài chính
Đặc biệt, đất nông nghiệp ở các khu vực ven thành phố Nha Trang giao dịch kém, mức giá giảm khoảng 20% so với đỉnh.
Theo VARS, thông tin về 2 khu vực huyện đầu nối từ Khánh Hòa lên Đắk Lắk được công bố vào đầu quý 4 kỳ vọng sẽ tạo lực thu hút đầu tư tới khu vực này.
Ở khu vực Tây Nam Bộ, đất nền là một trong những phân khúc chiếm tỷ trọng nguồn cung mới lớn nhất, đạt 29% tổng nguồn cung toàn khu vực. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó tại Long An, Hậu Giang.
Theo đó, quý 3.2023, khu vực Tây Nam Bộ có 34 dự án đất nền mở bán, đưa ra thị trường khoảng 2,245 sản phẩm. Lượng giao dịch vẫn tương đương so với quý trước. Tỷ lệ hấp thụ chỉ khoảng 10%, tương đương 250 giao dịch, chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Long An tiếp tục là tâm điểm của thị trường với nguồn cung và lượng tiêu thụ dẫn đầu, chiếm lần lượt 30% và 76% tổng nguồn cung và lượng tiêu thụ đất nền của khu vực Tây Nam Bộ.
Dự án đất nền mở bán mới trong quý 3 tại Long An, đã hoàn thiện pháp lý, giá bán phù hợp, ghi nhận lượng giao dịch khá tốt, tỷ lệ hấp thụ lên tới 50%.
Tuy nhiên, mặt bằng giá sơ cấp toàn khu vực tiếp tục đi ngang, trung bình 18 triệu/m2. Giá bán đất thổ cư trong dân có giảm nhưng không đáng kể, khoảng 5-10% ở các giao dịch từ nhà đầu tư gặp áp lực tài chính do dung đòn bẩy.
Lượng giao dịch đất nền, nhà phố trong dân, giá dưới 2 tỷ đồng/sản phẩm tiếp tục ghi nhận chuyển biến tích cực. Do đây là loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực và đầu tư của người dân miền Tây.
-
Đất nền nhiều khu vực đã “vượt đáy”, bức tranh thị trường bất động sản đã dần sáng trở lại?
Theo đánh giá của giới quan sát thị trường, bức tranh bất động sản đã ghi nhận nhiều điểm sáng từ quý 3, trong đó phân khúc đất nền ở nhiều khu vực đã có dấu hiệu vượt “đáy”, có giao dịch thay vì ảm đạm như trước.
-
Bi hài sau những vụ chốt lời tiền tỷ từ chung cư
Nhiều trường hợp “lỡ” chốt lãi tiền tỷ căn hộ lâm cảnh “méo mặt” tìm mua nhà mới trong bối cảnh giá chung cư ngày càng tăng cao.
-
Nhà bán lẻ quốc tế thích trung tâm thương mại, nhà phố và khối đế chung cư Hà Nội sẽ ra sao?
Các đơn vị bán lẻ trong nước và nước ngoài đang có xu hướng chuyển vào các trung tâm thương mại. Điều này dấy lên lo ngại về tương lai của phân khúc nhà phố và khối đế chung cư trong việc cho thuê....
-
Giá bán bất động sản đang tăng từng ngày
Đó là thông tin được doanh nghiệp bất động sản nhấn mạnh trong một toạ đàm diễn ra ngày 12.12, liên quan đến dòng chảy tài chính trên thị trường bất động sản.