30/03/2021 11:30 AM
CafeLand - Huy động vốn được xem là kỹ năng sinh lợi và được săn lùng nhiều nhất trong lĩnh vực bất động sản. Đó là một kỹ năng, nếu thực sự thành thạo, có thể đảm bảo doanh nghiệp sẽ luôn có chỗ đứng trong giới đầu tư bất động sản. Trong đó, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là hình thức gọi vốn phổ biến của nhiều đại gia Việt Nam trong thời gian qua.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/3/2021, cổ phiếu FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đứng ở mức giá hơn 11.000 đồng/cổ phiếu, sau khi vượt mệnh giá 10.000 đồng lần đầu tiên sau 7 năm rớt giá.

Giá cổ phiếu FLC bước vào đợt tăng giá mạnh sau khi tập đoàn do ông Trịnh Văn Quyết giữ chức Chủ tịch HĐQT vừa thông tin sẽ có tờ trình tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 dự kiến diễn ra vào ngày 12/4 tại Hà Nội về kế hoạch phát hành xấp xỉ 497 triệu cổ phiếu để huy động vốn thêm 5.000 tỷ đồng. Lượng vốn này được sử dụng chủ yếu vào đầu tư cho các dự án bất động sản tiềm năng .

Tiền thân Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC là Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được thành lập năm 2008. Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được thành lập theo giấy đăng ký kinh doanh số 0102033961 cấp 17/03/2008 với số vốn ban đầu là 18 tỷ đồng.

Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được chuyển đổi thành công ty cổ phần từ ngày 09/12/2009 mang tên Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp CRV và đổi tên thành Công ty Cổ phần FLC vào ngày 20/01/2010.

Ngày 06/02/2010, vốn điều lệ công ty tăng 25 tỷ đồng tăng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ phiên bất thường lần 02 năm 2010. Ngày 14/01/2010 của Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp CRV quyết định thông qua phương án phát hành riêng lẻ cho cổ đông.

Ngày 28/03/2010, vốn điều lệ 100 tỷ đồng tăng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ phiên bất thường lần 03 năm 2010 ngày 08/02/2010 của Công ty Cổ phần FLC quyết định thông qua phương án phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu.

Ngày 01/10/2010, vốn điều lệ tăng lên 170 tỷ đồng tăng theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông số 39/NQ/ĐHĐCĐ ngày 26/8/2010 quyết định thông qua phương án phát hành 70 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

Từ năm 2012-2017, vốn điều lệ tăng lên 771,8 tỷ đồng, do phát hành riêng lẻ để hoán đổi cổ phần với CTCP FLC land.

Tháng 8/2013, cổ phiếu FLC chính thức chuyển sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM.

Ngày 25/04/2014, đổi GĐKKD lần thứ 16, vốn điều lệ công ty tăng lên 1.543.600.000.000 đồng.

Tháng 7 năm 2014, cổ phiếu FLC có mặt tại sàn VN30 với mã giao dịch: FLC và FLC tăng vốn điều lệ lên mức 3.150 tỷ đồng

Năm 2014, FLC triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn như Khu Công nghiệp Tam Dương II, Khu Công nghiệp Hòn La II, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, FLC Complex 36 Phạm Hùng, FLC Complex Thanh Hóa, Khu Công nghiệp Chấn Hưng, Khu Trung tâm hành chính mới Khánh Hòa, FLC Star Tower Hà Đông.

Tháng 7 năm 2015, khánh thành Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn.

Năm 2015, tăng vốn điều lệ lên gần 8.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng, đồng thời khởi công Dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn và FLC Twin Tower tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngày 12/1/2015, vốn điều lệ nâng lên 3.748.938.820.000 đồng. Ngày 31/12/2015, vốn điều lệ nâng lên là 5.298.715.330.000 đồng. Ngày 31/12/2016, vốn điều lệ nâng lên 6.380.387.370.000 đồng. Năm 2017, vốn điều lệ nâng lên 7.099.978.070.000 đồng.

Từ tháng 8/2018 đến nay, Tập đoàn FLC duy trì mức vốn điều lệ 7.100 tỷ đồng.

Nếu kế hoạch phát hành cổ phiếu nói trên thành công, vốn điều lệ của FLC sẽ từ tăng từ 7.100 tỷ lên hơn 12.000 tỷ đồng, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành đạt trên 1,2 tỷ cổ phiếu.

Như vậy từ mức vốn ban đầu 18 tỷ đồng kể từ thời điểm gây dựng ban đầu, sau hơn năm, tập đoàn do ông Trịnh Văn Quyết điều hành sẽ tiến tới mức vốn 12.000 tỷ đồng.

Trước kế hoạch tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu, FLC đã công bố hai đợt huy động vốn trước đó nhưng bất thành.

Tham vọng kêu gọi thêm nguồn tiền để làm bất động sản của FLC diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn FLC là bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch và hàng không. Dù vậy, dường như đi ngược lại với xu hướng thị trường, hãng hàng không Bamboo Airways của FLC công bố đạt lợi nhuận trước thuế lên tới 400 tỷ đồng bất chấp dịch Covid-19.

Trong quý IV năm 2020, tập đoàn này cũng bất ngờ công bố hoạt động tài chính, đặc biệt là đầu tư chứng khoán, mang lại nguồn thu lớn, lên tới lên tới 3.686 tỷ đồng, cao hơn doanh thu từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Nguồn thu từ đầu tư, tài chính, chứng khoán đã giúp doanh nghiệp này tránh được lỗ ròng trong cả năm 2020.

Với hàng loạt thông tin tốt được tung ra, rất nhiều nhà đầu tư đang chạy đua đầu tư tiền vào cổ phiếu FLC, như mong đợi vào lời hứa “Nhà đầu tư tin tôi đi, cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả” năm nào của ông Trịnh Văn Quyết.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.