Hàng Da Galleria không thu hút được nhiều khách hàng.
Đìu hiu chợ chiều
Hàng Da Galleria xây dựng trên nền khu đất chợ Hàng Da cũ được khai trương vào cuối năm 2011. Dự án nằm trong khu vực có lượng khách du lịch lớn, dân cư đông đúc và thu nhập cao. Vì thế, chủ đầu tư kỳ vọng đây sẽ trở thành khu vực lý tưởng cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí. Song đến nay, Trung tâm mua sắm được đầu tư hơn 236 tỷ đồng này lúc nào cũng đìu hiu. Trong khi đó, ở những chợ cóc, các hàng hàng rong ngay bên cạnh trung tâm thương mại hiện đại này, người dân vẫn tấp nập mua bán.
Hàng Da Galleria chỉ là một trong hàng loạt trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống rơi vào tình trạng “ế khách”. Trước đây, Hà Nội có hàng trăm chợ dân sinh truyền thống trong các quận nội thành, trong đó nhiều chợ đã tồn tại hàng vài chục năm, thậm chí gần trăm năm như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Hàng Bè, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da… Ngoài chợ Đồng Xuân vừa là trung tâm mua bán đầu mối của Thủ đô với khắp các tỉnh thành trong cả nước, vừa có giá trị như một di tích văn hóa lịch sử thì hầu hết các chợ đều trong tình trạng xập xệ, ô nhiễm môi trường và không bảo đảm an toàn về vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, do nằm ở các vị trí trung tâm, rất thuận tiện cho việc mua bán của cư dân nên các chợ truyền thống luôn là nhộn nhịp kẻ mua người bán. Chính vì vậy, Hà Nội đã có chủ trương kết hợp các trung tâm thương mại và chợ truyền thống để quy hoạch lại kiến trúc hệ thống phân phối bán lẻ Thủ đô theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển kinh tế thế giới. Trong một hội thảo về hệ thống phân phối mới đây, ông Nguyễn Hữu Thắng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) từng nhận định: Thực ra đây là một mô hình hay bởi vừa có thể quy hoạch lại hệ thống phân phối, vừa giúp quản lý và phát huy tốt hơn hiệu quả của hệ thống chợ, đặc biệt là chợ tự phát, chợ tạm.
Định hướng rõ ràng và đúng đắn như vậy nhưng đến nay, hầu hết các khu chợ này rơi vào tình trạng vắng vẻ vì cả tiểu thương và người tiêu dùng đều không mấy mặn mà vào mua bán trong các khu trung tâm thương mại này. Dừng xe ngay cạnh một hàng hoa quả rong gần Trung tâm Thương mại ODC Plaza (chợ Ô Chợ Dừa cũ), chị Hoa (35 tuổi – kế toán) chia sẻ: “Tôi mua hàng tại chợ cóc, hàng rong quen rồi. Với lại, chỉ mua vài kg hoa quả mà phải gửi xe rồi mới vào chợ thì bất tiện lắm”.
Thấy lợi, mô hình sẽ phát huy
Lý giải về nguyên nhân khiến mô hình chợ truyền thống kết hợp với trung tâm thương mại thất bại, ông Vũ Xuân Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho rằng: Thứ nhất là thiết kế của những dự án này chưa hợp lý vì chợ truyền thống phải có đặc trưng là tiện lợi, dễ dàng cho người tiêu dùng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, khi gắn với các trung tâm thương mại, người tiêu dùng lại chưa có được sự tiện lợi đó. Thí dụ như nhiều người tiêu dùng đến chợ chỉ có nhu cầu mua một mới rau, mớ hành, nhưng vẫn phải gửi xe nên không phải là lựa chọn khả thi. Thứ hai là không gian chợ truyền thống trong các dự án này còn chật hẹp, không phù hợp với thói quen mua bán của người tiêu dùng Việt. Thứ ba là phí thuê mặt bằng vẫn còn cao so với thu nhập của các tiểu thương kinh doanh chợ truyền thống nên đã không thu hút được những tiểu thương này tập trung vào đây. Thứ tư là chợ truyền thống và Trung tâm thương mại có những đặc thù khác nhau và sẽ tạo nên sự cạnh tranh trong cùng một mặt bằng. Các mặt hàng của chợ truyền thống vốn có đặc trưng là giá rẻ, tuy nhiên, trong sự cạnh tranh này, do thuế, phí cao đẩy giá mặt hàng lên theo nên chợ truyền thống sẽ bị lép vế nếu cũng bán cùng một mức giá như siêu thị với cùng một mặt hàng. Đây chính là lý do khiến các hộ kinh doanh tại chợ truyền thống không mặn mà vào các khu kiểu chợ này và đối tượng khách hàng của họ cũng ít vào đây. “Không nhận được sự chấp nhận của cả tiểu thương và người tiêu dùng chính là nguyên nhân khiến hình thức kết hợp này chưa mang lại hiệu quả”, ông Chiến khẳng định.
Theo đó, để khắc phục tình trạng đìu hiu này, theo các chuyên gia, điều đầu tiên là cần đánh giá lại nghiêm túc hiệu quả của mô hình này, đồng thời không nên ngay lập tức áp dụng tràn lan mô hình này khi chưa có kết quả nghiên cứu chính thức. Bên cạnh đó, do ta đang thiếu một hệ thống luật pháp về loại hình kinh doanh chợ nên rất cần một hệ thống luật pháp đầy đủ để phát triển mô hình này.
Phải khẳng định rằng với thói quen mua sắm đề cao sự tiện lợi của người dân, chợ truyền thống là lựa chọn số một. Do đó, việc “khoác” cho chợ truyền thống một “tấm áo mới” như kết hợp với trung tâm thương mại hiện đại muốn thành công phải bảo đảm giữ được sự tiện lợi đó, bằng cách xây dựng làm sao để các khu chợ này không bị khống chế về không gian, hàng hóa phong phú, giá cả rẻ hơn.
Bất cứ một mô hình phân phối bán lẻ nào muốn thành công đều phải nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng thông qua giá cả và chất lượng sản phẩm. Đây là “bài toán” mà các chủ trung tâm thương mại và tiểu thương chợ truyền thống phải giải quyết. Tuy nhiên, do chưa nhìn thấy lợi ích của hình thức này nên họ chưa “mặn mà” với việc đầu tư vào hình thức kinh doanh này. “Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là phải có chính sách giải quyết một cách hài hòa lợi ích của các chủ đầu tư, các nhà kinh doanh chợ, chủ của các trung tâm thương mại, tiểu thương chợ truyền thống. Chỉ cần nhìn thấy lợi ích, hiệu quả của mô hình này sẽ được phát huy” – ông Chiến khẳng định.
Theo Bộ Công Thương, qua 10 năm thực hiện việc phát triển và quản lý chợ (2002 – 2012), vẫn có khoảng 3% số chợ hoạt động không hiệu quả, nhất là các dự án theo mô hình trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống. Được biết, Hà Nội đang rà soát và tạm dừng chín dự án chợ kết hợp trung tâm thương mại để nghiên cứu lại cho phù hợp.