02/05/2017 3:55 PM
CafeLand - Bên cạnh sự tham gia của các nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore, thời gian gần đây các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc dường như đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường bất động sản Việt Nam.

Ảnh minh họa - Internet

Sau 10 năm nằm trong tay VinaCapital, mới đây dự án Đại Phước Lotus đã về tay Công ty China Fortune Land Development- CFLD. Theo đó, CFLD đã mua lại toàn bộ cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus từ quỹ đầu tư VinaLand Limited và VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited - VOF (thuộc VinaCapital). Khoản tiền hai quỹ trên thu được từ giao dịch này lần lượt là 48,8 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng) và 16,5 triệu USD (370 tỷ đồng).

Đại Phước Lotus tọa lạc trên cù lao Ông Cồn thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Dự án nằm tiếp giáp với quận 2 và quận 9 của TP.HCM. Từ trung tâm TP.HCM di chuyển khoảng 30 phút đường thủy là đến dự án.

Đại Phước Lotus được phát triển với diện tích đất tích 198,5 ha và được mua lại bởi VinaLand Limited vào năm 2007, hiện đang trong giai đoạn đầu xây dựng và kinh doanh.

Trước đó vào tháng 9/2016, CFLD Vietnam đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Tín Nghĩa để xây dựng thành phố công nghiệp mới với Khu công nghiệp Ông Kèo tại Đồng Nai. Theo thông tin trên trang CFLD, tập đoàn này sẽ hỗ trợ những kinh nghiệm trong quy hoạch công nghiệp, quy hoạch đô thị và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như thu hút và vận hành đầu tư.

CFLD đã hiện diện trên hơn 50 vùng miền trên thế giới trong đó có Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Hoa Kỳ... Tính đến tháng 6/2016, CFLD có trên 1.100 đối tác chiến lược trong lĩnh vực thành phố công nghiệp, có khoản đầu tư vốn khoảng 4,1 tỷ USD. Theo thông tin từ Reuters, lợi nhuận ròng trong năm 2016 của CFLD đạt 6,5 tỷ nhân dân tệ (943,7 triệu USD), tăng trưởng 35% so với năm trước đó.

Mới đây, tại đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT tiết lộ có nhà đầu tư trong nước và nhà nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua đứt dự án Waterpoint tại Long An của doanh nghiệp này nhưng hội đồng quản trị và bộ phận đầu tư đang còn cân nhắc. Trước mắt Nam Long sẽ tập trung vào việc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài để phát triển các khu high – tech, logistic, tìm kiếm nhà đầu tư và huy động vốn trong năm 2017.

Theo thông tin từ biên bản họp đại hội cổ đông của Nam Long, đây là dự án có quy mô lớn, có phê duyệt quy hoạch 1/2000, đã nộp tiền sử dụng đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài có mục tiêu phát triển dài hạn thì dự án có quy mô và đầy đủ hồ sơ pháp lý như vậy là rất thuận lợi.

Nếu Nam Long đồng ý bán dự án này cho nhà đầu tư Trung Quốc thì bất động sản Việt Nam sẽ lại có thêm một ông chủ mới người Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng, nhiều quy định thắt chặt được áp dụng cùng với tình hình hạ nhiệt của thị trường bất động sản Trung Quốc buộc các nhà đầu tư ở nước này phải đa dạng hóa danh mục đầu tư tại các thị trường phát triển khác để tìm kiếm cơ hội.

Số liệu của JLL cho thấy, Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục với 33 tỷ USD trong đầu tư bất động sản thương mại và nhà ở tại nước ngoài trong năm 2016, tăng gần 53% so với cùng kỳ năm 2015. Khoảng 3 năm trở lại đây lượng vốn đầu tư vào các phân khúc đất nền, văn phòng và khách sạn chiếm đến 90% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và thiếu các cơ hội đầu tư an toàn, tiềm năng cao thì kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các yêu tố hỗ trợ về chính sách và pháp lý cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc nâng tầm Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư.

Trong năm 2017 và thời gian tới, họ sẽ còn tiếp tục lên kế hoạch và chiến lược đầu tư lâu dài để củng cố vị thế của mình trên thị trường bất động sản Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp hoặc M&A, ông Khương nói.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.