Đầu tư bất động sản đã tăng mạnh tại nhiều thành phố ở Trung Quốc, đặc biệt là tại Thâm Quyến, mặc dù nền kinh tế của quốc gia rộng lớn này vẫn đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đầu tư vào bất động sản ở Thâm Quyến đã tăng 17% so với một năm trước trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5, tăng tốc từ mức tăng 11,6% trong bốn tháng đầu năm.
Tại Thượng Hải, thị trường bất động sản đã tăng 3,7% trong 05 tháng đầu năm, đảo ngược mức giảm 2,9% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, theo dữ liệu của chính quyền địa phương.
Khi doanh thu tài chính sụt giảm trong bối cảnh kinh tế suy thoái, chính quyền địa phương đang gấp rút bán đất và tăng cường giao dịch bất động sản. Điều này có thể ngay lập tức mang lại sự thúc đẩy.
Có tới 22 trong số 31 tỉnh đã báo cáo tăng trưởng đầu tư bất động sản trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm cung cấp tín dụng.
Doanh thu tài chính từ bán đất đã chuyển biến tích cực trong năm tháng đầu năm, tăng 0,9% so với một năm trước đó, đảo ngược mức giảm 4,5% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4.
Đầu tư bất động sản tổng thể vào Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng 8,4%, theo tính toán của Zhongtai Securities.
Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân và nhỏ, trong khi các nhà quản lý tài chính tuyên bố sẽ kiểm soát các nhà đầu cơ vay tiền từ ngân hàng để đầu tư vào bất động sản.
Phó Thủ tướng Liu He, trợ lý kinh tế đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong một bài phát biểu bằng văn bản gửi tới một diễn đàn ở Thượng Hải vào tuần trước đã trích dẫn thị trường bất động sản như một dấu hiệu phục hồi kinh tế. Điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền Bắc Kinh sẽ ủng hộ việc đầu tư bất động sản bùng nổ vì đây là một trong những cách giúp tăng trưởng kinh tế ở thời điểm hiện tại.
Ông Peng Wensheng, chuyên gia kinh tế trưởng tại China International Capital Corporation, cũng cho rằng Trung Quốc nên cảnh giác với nguy cơ kích hoạt một vòng đầu tư bất động sản khác qua việc mở rộng tín dụng trong quá trình phục hồi kinh tế.
Theo ông Wensheng, đây là cách để làm dịu cơn khát, có thể hữu ích trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây mất cân bằng cho toàn bộ sự phát triển kinh tế dài hạn trong tương lai.