Chuyên gia kinh tế, cựu Chủ tịch Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, giáo sư của trường Đại học Harvard – ông Kenneth Rogoff nhận định, thị trường bất động sản Trung Quốc đang bắt đầu “sụp đổ”, điều này sẽ tác động xấu tới hệ thống các ngân hàng của quốc gia này.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg tại Hồng Kông, ông Rogoff phát biểu, cùng với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, “đặc biệt với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, trạng thái loạng choạng, lảo đảo là điều khó tránh”. Ông này còn nhận định thêm, mặc dù tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu “vô cùng chậm”, nhưng nguy cơ rơi trở lại suy thoái vẫn chưa “gia tăng”.
Có cùng nỗi lo giống như ông Rogoff là những nhà đầu tư, tuần trước, chỉ số cổ phiếu cơ bản của Trung Quốc đã lập kỷ lục với biên độ giảm lớn nhất trong hơn 1 năm qua. Các số liệu của Trung Quốc đã trở thành tiêu điểm, bởi vì quốc gia này là nước dẫn đầu toàn cầu về tốc độ phục hồi và cũng là nước thoát khỏi nhanh nhất cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II đến nay.
Sau khi tuyên bố, nền kinh tế quý I/2010 tăng trưởng 11,9% so với cùng kỳ, chính phủ Trung Quốc đã gia tăng thêm mức độ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Nỗ lực này đã khiến việc tiêu thụ bất động sản sụt giảm mạnh, nhưng giá nhà đất lại tiếp tục leo thang. Kênh truyền hình Bloomberg cho biết, mức tiêu thụ của thị trường bất động sản trong tháng 5 của Trung Quốc giảm 25% so với tháng trước. Theo điều tra của chính phủ quốc gia này đối với 70 thành phố, giá nhà trong tháng 5 đã tăng 12,4% so với cùng kỳ, mức tăng này thấp hơn so với con số 12,8% của tháng 4.
Theo phân tích dự đoán của ông Rogoff: “Các bạn sẽ bắt đầu trông thấy sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc, việc này sẽ tác động tới hệ thống ngân hàng”. Ông Rogoff năm nay 57 tuổi và hiện đang là thành viên của một nhóm 30 người. Nhóm này do Paul Volcker lãnh đạo, là một tổ chức do các thống đốc ngân hàng trung ương, các quan chức tài chính và các học giả của một số nước tạo thành.