10/03/2020 5:11 PM
CafeLand - Quốc gia đại lục lâu nay vẫn là nguồn cung dồi dào lượng khách hàng cho nhiều công ty môi giới bất động sản, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, điều đó đang dần trở nên xa xỉ.

Thị trường Mỹ điêu đứng

Eric Marrus, một nhà môi giới bất động sản tại Compass (New York) đang tổ chức một chuyến tham quan “ảo” bằng WhatsApp bên trong một căn nhà phố trị giá 7,5 triệu USD. Đây là cách anh giới thiệu mặt hàng cho một đôi vợ chồng Trung Quốc không thể đến xem trực tiếp vì lệnh hạn chế ra ngoài do ảnh hưởng từ dịch Corona.

“Đây thực sự là một cơn ác mộng”, Marrus than thở. Một phần tư số khách hàng của anh đến từ Trung Quốc, cũng là quốc gia bắt nguồn cơn đại dịch.

Khi dịch bệnh lan rộng ra khắp thế giới, thị trường bất động sản tại Mỹ và các quốc gia vốn phụ thuộc vào lượng khách hàng người Trung Quốc ngay lập tức bị đình trệ. Cuộc khủng hoảng manh nha xuất hiện khi các giao dịch trở nên chậm trễ và những người mua tiềm năng trì hoãn quyết định vô thời hạn.

Chỉ tính riêng tại Mỹ vào năm 2019, người Trung Quốc đã chi 13,4 tỷ USD cho các tài sản bất động sản. Con số này chiếm thị phần lớn hơn bất cứ quốc gia nào, ngay cả trong bối cảnh leo thang cuộc chiến thương mại giữa 2 nước hay việc Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ dòng tiền chảy ra nước ngoài.

Tại California, người Trung Quốc chiếm 34% lượng khách hàng nước ngoài. Ảnh hưởng của dịch Corona đã khiến các khách hàng hạn chế ra ngoài, nhiều chuyến tham quan buộc hoãn lại đến sau mùa hè, thậm chí kéo dài hơn.

Lượng khách nước ngoài mua nhà tại Mỹ đã có sự sụt giảm vào năm ngoái, và Trung Quốc cũng dẫn đầu danh sách này. Theo Alvin Wang, một nhà môi giới ở New York Beach, thời gian này trong năm là cơ hội vàng đối với khu phố giàu có ở Quận Cam phía nam Los Angeles vì được người mua Trung Quốc ưa chuộng. Nhưng những ngày này, điều đó đã không xảy ra.

Không chỉ trong lĩnh vực môi giới mà trong lĩnh vực xây dựng, nhiều công ty bất động sản cũng đang đau đầu giải quyết bài toán mang tên Trung Quốc. Như trường hợp của Silverback Development, một công ty chịu trách nhiệm xây dựng một khu chung cư cao 13 tầng gần Công viên Gramercy Manhattan (New York), dịch bệnh đã phức tạp hóa công việc kinh doanh của họ.

Josh Schuster, người đứng đầu Silverback Development cho biết người mua nhà tìm cách trì hoãn việc ký hợp đồng, trong khi thị trường chứng khoán lại thiếu ổn định. Việc đối thoại với các nhà đầu tư Trung Quốc cũng gặp khó khăn vì thách thức mang tên chuyển tiền ra nước ngoài.

Trên hết, họ đang phải tìm kiếm các phương án thay thế cho những nguyên vật liệu vốn trước đây vẫn nhập Trung Quốc. Những giải pháp khả thi nhất cũng có giá cao hơn 30% so với hàng Trung Quốc, do đó chi phí xây dựng ngày càng đội lên.

“Chúng tôi rất lo lắng. Nếu nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn như hiện tại, thiệt hại công ty gánh chịu sẽ rất lớn. Nếu không có giải pháp cụ thể, chúng tôi không dám mạo hiểm”, Schuster cho biết.

Singapore bối rối trước cuộc khủng hoảng

Ở đầu bên kia của thế giới, các nhà môi giới Singapore cũng gặp rắc rối tương tự như người bạn Hoa Kỳ. Trung Quốc là khách hàng hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư bất động sản tại Singapore, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp. Việc quá phụ thuộc vào nguồn khách hàng hiện đang bị cách ly bên ngoài biên giới vì dịch bệnh đã biến thị trường bất động sản tại đảo quốc sư tử đứng trước một cuộc khủng hoảng.

Clarence Foo, một đại lý có trụ sở tại Singapore đã kể về câu chuyện của mình. Foo được một đôi vợ chồng người Trung tìm đến để mua một căn hộ trị giá 4,3 triệu USD nằm gần song bạc và các khu mua sắm tại trung tâm vịnh Marina. Tuy nhiên, cuộc hẹn vốn được sắp xếp từ tháng Một đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì chính phủ cấm nhập cảnh đối với Trung Quốc, dẫn đến các chuyến bay đều bị hoãn.

“Chúng tôi buộc phải tạm dừng thương vụ này lại cho đến khi tình hình trở nên lạc quan hơn”, Foo cho biết. Ông ước tính doanh số liên quan đến nguồn khách hàng Trung Quốc đã giảm 20%.

Úc được hưởng lợi nhưng quá mỏng manh

Khác với một số thị trường quốc tế khác, dường như đang có sự gia tăng lợi ích tại Úc. Ở Sydney, virus Corona đã thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản xa xỉ. Đó là chia sẻ của Monika Tu, người sáng lập Black Diamondz, một công ty bất động sản Úc phục vụ cho giới siêu giàu Trung Quốc.

Theo đó, nhiều khách hàng của cô là những người điều hành các doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc. Những người này có gia đình tại Úc, và nhân dịp Tết Nguyên đán vừa qua, họ đã đến đây để nghỉ ngơi, thăm hỏi. Việc bùng phát dịch Corona đã làm kéo dài thời gian lưu trú của đối tượng này, giờ đây họ đã mua nhà để ổn định cuộc sống trong khi chờ dịch bệnh qua đi.

Sự yếu kém của đồng đô la Úc cũng là một yếu tố thúc đẩy doanh số bán bất động sản cho người Trung Quốc. Vì vậy ở khía cạnh nào đó, có thể cho rằng dịch bệnh đã có tác động tốt cho thị trường nước này.

Tuy nhiên, sự gia tăng lợi ích này được cho là sẽ không thể kéo dài. Nói cách khác, thị trường bất động sản Úc đang phụ thuộc vào mức độ bùng phát việc mua bán. Chính quyền và các đại sứ quán đang nghiên cứu việc xử lý thị thực cũng như quyền lưu trú đối với những nhà đầu tư cỡ lớn đến từ đại lục, bên cạnh đó là quyền mua bán tài sản bất động sản trong nước.

Bảo Đình (Theo Bloomberg)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.