Nhà phố thương mại cũng như đất nền ở các dự án khu dân cư tại TP Cần Thơ đang ở mức giá khá cao so với thu nhập của nhiều người. Ảnh chụp tại khu dân cư Hồng Loan (Lô 5C).
Theo số liệu khảo sát của Hội môi giới BĐS Việt Nam, gần đây, những cơn “sốt ảo” rầm rộ nhất có thể kể đến là ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước chỉ diễn ra vài ngày hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2021 vừa qua, xuất phát từ đề xuất của UBND tỉnh Bình Phước xây dựng Sân bay quân sự Téc-ních thành Sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng). Từ đó, rất nhiều người ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và những địa phương khác đã đổ xô tìm đến Hớn Quản để mua bán đất, đẩy giá đất lên gấp 3-4 lần so với giá thị trường. Tại các tỉnh Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng... cũng xảy ra hiện tượng giá đất “sốt ảo” trong thời gian qua.
TP Cần Thơ hiện nay cũng có rất nhiều thông tin về quy hoạch các dự án lớn có tính quyết định đến sự phát triển của thành phố cũng như của vùng ĐBSCL trong tương lai, như: Dự án kè sông Cần Thơ, cầu - đường Trần Hoàng Na, khu trung tâm hành chính thành phố, hay Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, quy hoạch đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ,... Nhưng hiện nay, TP Cần Thơ không còn quỹ đất như các nơi để giới đầu cơ BĐS thu mua rồi “thổi giá” trục lợi. Các quy hoạch ở Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy hầu hết đã hình thành dự án khu dân cư, quy hoạch các khu chức năng và việc điều chỉnh quy hoạch 1/5000 ở các quận, huyện này cũng mới được công bố hồi cuối năm 2020. Do đó không còn nhiều cơ hội để đầu tư mua đất công (diện tích lớn) giá thấp để đón đầu quy hoạch, còn mua đất nền khu dân cư để “lướt sóng” hiện nay đã không còn giá rẻ như 4-5 năm về trước.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số nơi thuộc quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy giao dịch đất nền dự án cũng diễn ra khá sôi động. Tại một số dự án cụ thể như Khu dân cư Ngân Thuận (quận Bình Thủy), Khu dân cư Hồng Loan (khu 6A và 5C)… đã tăng giá từ 5-10% so với cuối năm 2020. Nhưng hầu hết các khu dân cư còn lại dù có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh nhưng giao dịch vẫn trầm lắng.
Theo ông Đỗ Minh Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Phúc Hưng (tại Khu dân cư Hồng Loan), thị trường BĐS ở khu Nam Cần Thơ vẫn khá trầm lắng, giao dịch thành công khá ít, vì giá đất (lô, nền) ở nhiều khu dân cư đang ở mức khá cao, thời gian tăng giá kéo dài từ năm 2018 đến nay. Chỉ cá biệt tại Khu dân cư Hồng Loan khoảng hơn một tháng qua, giao dịch khá sôi động, nguyên nhân do tác động từ công trình xây dựng đường dẫn và cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ đang trong giai đoạn hình thành, nên thu hút người mua. Tuy nhiên, dự án này đang có ưu thế là giá đất chỉ tầm 20-22 triệu đồng/m2, nên quy ra chỉ trên dưới 2 tỉ đồng/nền (Hợp đồng góp vốn), dễ giao dịch hơn các khu khác.
Theo anh Bình, chủ sàn giao dịch BĐS tại chung cư Hưng Phú 1, hiện nay thị trường BĐS ở khu Nam Cần Thơ nói chung không quá sôi động, chỉ diễn ra cục bộ một vài nơi mà thôi. Hầu hết đất nền ở khu Nam Cần Thơ tính từ Khu 586 về cầu Quang Trung đã trên dưới 3-4 tỉ đồng/nền, cá biệt như khu dân cư Hưng Phú 1 có giá 45-60 triệu đồng/m2, giá đất quá cao nên giao dịch không còn dễ dàng nữa. “Thị trường BĐS Cần Thơ đặc biệt là đất nền ở các khu dân cư đô thị mới đã bắt đầu tăng giá 3-4 năm nay và hiện nay đang “neo” ở mức cao. Mức giá hiện nay có thể nói chỉ phù hợp với người giàu, những người có thu nhập trung bình, khá rất khó tích lũy tiền để mua đất nền ở các quận trung tâm thành phố” - anh Bình nhận định.
Khi mặt bằng giá BĐS đã nằm ở mức cao, nắm bắt nhu cầu của người thu nhập trung bình, khá, nhiều chủ đầu tư đã xây dựng các chung cư kết hợp thương mại như: Dự án Tây Đô Ecopark gần kề TP Cần Thơ (quốc lộ 1A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) với giá bán từ 600-900 triệu đồng/căn hộ, tùy diện tích. Tới đây, tại Khu dân cư Hồng Loan (lô 5C) cũng triển khai đầu tư chung cư nhà ở thương mại quy mô 9 tầng với hơn 1.036 căn hộ. Hay mới đây UBND TP Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Căn hộ Chung cư cao cấp Thiên Quân - Marina Plaza cao 23 tầng ở đường Trần Bạch Đằng, quận Ninh Kiều với 530 căn hộ… Nhiều khả năng đây sẽ là những hướng đi đúng, giúp doanh nghiệp BĐS khai thác tốt nhu cầu thị trường trong thời gian tới.
Để chấn chỉnh tình trạng thổi giá ảo để thu lợi bất chính, ổn định thị trường BĐS trong năm 2021 và giai đoạn tới, Bộ Xây dựng qua các phương tiện truyền thông vừa cho biết đã và đang tích cực nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa thị trường BĐS, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thật của thị trường. Bộ đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội. Trong năm 2021, Bộ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội, Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS. Đồng thời nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp để trình Chính phủ xem xét ban hành. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường BĐS, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính,…) để làm giá, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính. |