Ngày 21/7, Công ty Inpyung (Hàn Quốc) ra mắt dự án chung cư cao cấp Daewoo - Cleve nằm trong khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội). Công trình đang thi công hạng mục hầm ngầm và dự kiến mở bán vào khoảng tháng 10 tới với giá 34 triệu đồng mỗi m2. Quy mô dự án gồm 15 tòa nhà cao 36 - 40 tầng với 4.506 căn hộ song trước mắt, chủ đầu tư sẽ tung ra khoảng 1.000 căn.
Mới đây, Công ty Viglacera tiếp tục mở bán 30 căn hộ thuộc dự án Khu căn hộ số 1 Thăng Long với giá 39 triệu đồng mỗi m2. Để giảm áp lực về tài chính cho khách hàng, tiến độ thanh toán được chủ đầu tư chia làm 8 đợt, trong đó 7 đợt đầu tiên, khách hàng chỉ đóng 10% mỗi đợt. Giai đoạn cuối cùng trước khi bàn giao, người mua phải nộp 30% còn lại. Theo chủ đầu tư, dự án đang tiến hành xây phần thân và dự kiến sẽ bàn giao vào cuối năm 2013.
Đầu tháng 7, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Constrexim cũng mở bán Dự án căn hộ chung cư cao cấp Green Park Tower. Trong tháng 9 tới, dự kiến dự án HillState Hyundai - Hà Đông cũng sẽ chào bán đợt 2 và tung ra khoảng 100 căn hộ.
Cùng với nguồn hàng tại chỗ, thị trường địa ốc thủ đô còn chứng kiến nhiều dự án từ miền Trung "tiến quân" ra. Trong đó, khu đô thị có bãi đỗ du thuyền Venesia tại Nha Trang đã ra mắt ở Hà Nội vào khoảng giữa tháng 7. Dự án Khu đô thị mới Phước Long cũng dự kiến chính thức chào bán tại Hà Nội trong tháng 8 tới.
Nhiều người cho rằng, tung hàng tại thời điểm địa ốc đang quá trầm lắng là một hàng động mạo hiểm. Ảnh: Hoàng Lan.
Động thái rậm rịch chào bán của các chủ đầu tư làm bức tranh địa ốc có thêm gam màu sáng. Ông Hoa Văn Tính, Giám đốc công ty TNHH Hibrand Việt Nam, chi nhánh của Công ty Inpyung lý giải, mặc dù xác định rõ, tình hình địa ốc khó khăn song công ty vẫn rậm rịch lên kế hoạch bán hàng bởi doanh nghiệp có quan điểm "thách thức của người này là cơ hội của kẻ khác". Thị trường bất động sản có tính chu kỳ lên xuống trong vòng 6 tháng đến một năm do đó, bước sáng tháng 10, tình hình địa ốc có thể khả quan hơn.Thêm vào đó, lời tuyên bố của Bộ trưởng Xây dựng sẽ điều chỉnh tín dụng cho từng phân khúc bất động sản là một tín hiệu vui trên thị trường. Chủ đầu tư sẽ sẽ gián tiếp được được hưởng lợi từ việc khách hàng có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Cũng theo ông Tính, thị trường trước đây thuộc về người bán, nhưng đến nay thời thế đã thay đổi, hiện người mua có nhiều sự lựa chọn hơn. Đây là thách thức lớn nhất và mỗi chủ đầu tư sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Do đó, chỉ những dự án nào có giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo đúng như cam kết mới được khách hàng quan tâm. "Chủ đầu tư sẽ phải tự thân vận động và tính toán giá cả sao cho thị trường có thể chấp nhận được. Nhà đầu tư sẽ phải tùy cơ ứng biến, để thích nghi với thị trường trong từng giai đoạn", ông Tính cho hay.
Số đông các chủ đầu tư tung hàng ra thời điểm này cho rằng, thị trường đang hướng đến người có nhu cầu thực. Bởi theo thống kê của Bộ Xây dựng kiểm tra 18 dự án lớn trên địa bàn Hà Nội vừa qua thì nhà chung cư có tỷ lệ người đến ở nhiều nhất. Kết quả cho thấy, trong khi tỷ lệ nhà ở liên kề đưa vào sử dụng đạt 80% và nhà biệt thự vào sử dụng mới đạt 58% thì các căn hộ nhà chung cư cao tầng có tỷ lệ đưa vào sử dụng đạt xấp xỉ 100%. Do đó, chung cư vẫn đáp ứng được số đông của khách hàng có nhu cầu thực sự.
Mặc dù thừa nhận thị trường còn khó khăn song nhiều chủ đầu tư cho rằng, hành động bung hàng trong giai đoạn này là động thái đón đầu thị trường trước thời điểm Hà Nội trở thành "siêu công trường" khi hàng loạt dự án được thông qua. Sau khi sáp nhập Hà Tây, qua 3 lần rà soát, Hà Nội mới chỉ thông qua hơn hơn 200 trong tổng số trên 700 dự án. Như vậy, còn khoảng 500 dự án vẫn đang chờ quyết định. Việc Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội hoàn thiện toàn bộ hồ sơ bản vẽ đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô trước ngày 1/8 sẽ là tín hiệu cho thấy địa ốc Hà Nội sắp tới có thể sẽ phải đối mặt với việc cạnh tranh khốc liệt khi quá nhiều dự án triển khai.
Trong khi người trong cuộc lạc quan thì giới kinh doanh lo ngại, động thái tung hàng của chủ đầu tư sẽ rất khó tạo sóng, đánh bật được thị trường đi lên, bởi khách hàng đang có tâm lý chờ thị trường chạm "đáy". Thêm vào đó, các doanh nghiệp chú trọng nhiều vào đầu tư loại nhà cao cấp dẫn đến phân khúc này đang có nguy cơ rơi vào bão hòa. Song không ít người vẫn cho rằng cú lội ngược dòng này là một hành động liều lĩnh trong thời kỳ thị trường quá ảm đạm.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cen Group cho rằng, thực tế, nhiều chủ đầu tư tung hàng trong giai đoạn trầm lắng đã phải hạ giá bán so với lợi nhuận kỳ vọng, thậm chí có những trường hợp giảm 5-7 triệu đồng mỗi m2. Các dự án đang triển khai sẽ phải chịu hai áp lực giống như "lửa cháy hai đầu" vừa phải chịu sức ép về tiến độ triển khai với khách hàng vừa phải lo trả công cho nhà thầu. Do đó, theo ông Hưng, cách tốt nhất trong lúc khó khăn để tìm được nguồn vốn là buộc phải bán hàng, thay vì ngồi im chờ thời.
"Thị trường ảm đảm cũng là lúc chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong kế hoạch bán hàng song đây chính là lúc người bán phải thể hiện năng lực. Khi lợi nhuận kỳ vọng của chủ đầu tư bớt đi cũng có nghĩa giá hàng bán ra được giảm, và người mua sẽ có nhiều cơ hội chọn lựa hơn", ông Hưng chia sẻ.