Thị trường đang trầm lắng, nhưng những thông tin tích cực dành cho bất động sản (BĐS) thì không thiếu. Trong tháng 8 này, có thể nói BĐS đang là thị trường được hưởng nhiều thông tin “ưu ái” từ chính sách tín dụng của các Ngân hàng Thương mại cho đến nhu cầu đầu tư của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhưng, khả năng bật dậy của thị trường trong ngắn hạn có thể thành hiện thực hay không, nhà đầu tư lẫn DN BĐS vẫn thận trọng cho rằng: Nghe chưa đủ, thấy mới tin…

Nghe...

Tin tích cực và có ý nghĩa lớn đối với giới đầu tư BĐS là trong 8 tháng đầu năm 2012, lĩnh vực kinh doanh BĐS đã về vị trí thứ 2 trong việc thu hút vốn FDI, với 8 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,72 tỉ USD, chiếm 20,4% chỉ sau ngành công nghiệp chế biến. Có vẻ như sau 1 sau một năm trời “rớt hạng” khi BĐS chỉ chiếm hơn 5% trong tổng vốn đăng ký FDI vào nền kinh tế, thị trường BĐS VN giờ đây đang được giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao về mức độ hấp dẫn và tiếp tục rót vốn đầu tư?

Một chuyên gia nhận định, thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đã thống kê kể trên, thoạt nghe thì có thể khiến giới đầu tư BĐS… xúc động; nhưng nếu bình tĩnh mà phân tích, sẽ thấy BĐS dù vẫn đứng đứng vị trí nhất nhì trong nhóm hút vốn FDI, nhưng chưa hẳn là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn. Vì cụ thể số vốn FDI đăng ký vào BĐS tại VN trong 8 tháng đầu năm 2012 hiện vẫn đạt mức quá thấp so với các năm trước. Vì vậy, 1,72 tỉ USD số vốn đã đăng ký mới của năm nay, dù đang được dự báo có thể tăng thêm và có cơ hội tăng thêm trong 3 tháng còn lại, cũng khó đạt tới những đỉnh cao mà thị trường từng đạt trong quá khứ.

Bên cạnh những thông tin tích cực được nghe, nhà đầu tư vẫn chưa thấy rõ sự chuyển động trên thị trường.

“Điều an ủi là theo như định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước, dòng vốn FDI vào BĐS VN đang được siết lại, thực chất hơn, không có ý nghĩa “ảo” như những năm trước đây. Việc giải ngân vốn đăng ký được khuyến khích tăng lên và nếu đúng như vậy thì từng đồng tiền, dòng vốn ngoại chảy vào BĐS đang trở nên thực chất. Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng vốn FDI vào BĐS cũng giống như dòng vốn FDI vào mọi lĩnh vực khác, đều đang sụt giảm.

Một thông tin khác dường như cũng có phần “kích hoạt” giới đầu tư BĐS VN là Qatar – quốc gia được cho là giàu nhất thế giới với nguồn dầu lửa khổng lồ ở khu vực Trung Đông, đất nước sẽ đăng cai WoldCup 2022 - đang bày tỏ ý định tham gia dự án BĐS trị giá 4 tỉ USD ở VN. Thông tin này được đăng tải trên một số trang báo mạng của VN mấy ngày gần đây. Nếu quả thực 4 tỉ USD sẽ được một quốc gia đăng ký trong năm nay, thì danh mục đầu tư FDI vào BĐS VN 2012 đang hứa hẹn tăng lên gấp 3 lần so với con số hiện có, đúng như dự báo của CBRE vào hồi đầu năm. Tuy nhiên, ngay cả khi cộng thêm 4 tỉ USD này, rất có khả năng FDI của cả năm vẫn khó có thể đạt mức tương đương so với cả năm 2011.

Và hy vọng...

Điều mà giới đầu tư BĐS đang sốt ruột, là bên cạnh những thông tin tích cực được nghe, họ vẫn chưa thấy rõ sự chuyển động trên thị trường BĐS. Nhiều chủ DN BĐS cho hay họ đã từng kỳ vọng khá nhiều các dự án đầu tư quốc tế vào BĐS VN. Kỳ vọng không ít rằng những đợt sóng đầu tư này sẽ có ý nghĩa đòn bẩy khiến thị trường ấm lại. Như thông tin về một tập đoàn Mỹ sẽ đầu tư hàng tỉ USD đầu tư khu nghỉ dưỡng phức hợp tại TP HCM và Hà Nội kèm theo dịch vụ casino. Hay như mới đây nhất, một Cty của Thái Lan cho biết đã mở một quỹ trị giá 30 triệu USD, với mục tiêu ưu tiên đầu tư hàng đầu là các dự án BĐS giá rẻ tại VN. Rồi một tỉ phú Mỹ đang nắm giữ đầu tư 2.000 dự án tại Mỹ và Canada đang tìm kiếm cơ hội đầu tư BĐS tại VN, với một khoản đầu tư kha khá “tùy thuộc quy mô hợp tác trong từng thời điểm” vào phân khúc cao ốc văn phòng và kho chứa hàng… Nhưng, thị trường vẫn sụt sùi lạnh lẽo, và chuyển động ngược với kỳ vọng, mỗi ngày tìm một đáy mới !

TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tich Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia cho rằng trong khó khăn hiện nay, thị trường BĐS Châu Á không sụp đổ, trong đó có cả VN, thị trường chỉ có tình trạng xuống giá do chính sách thắt chặt tiền tệ. Vì vậy, khả năng phục hồi của thị trường BĐS VN là rất lớn. Một lần nữa, giới đầu tư BĐS và các chủ DN BĐS nghe. Rồi muốn tin. Họ vẫn đang hy vọng rất lớn về một khả năng nới lỏng tiền tệ trong những tháng cuối năm và cả năm 2012, một sự “nới lỏng có kiểm soát” để thị trường địa ốc không còn tình trạng bán tháo, xả hàng, bất chấp mọi nỗ lực chính sách và các thông tin tích cực đã được bày rất… tích cực ở mọi lúc, mọi nơi.

Theo Thuận Hóa (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.