Phát triển nhưng chưa xứng tiềm năng
Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, nhất là lợi thế về biển cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá, giai đoạn 2012 - 2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành tương đối hiện đại. Khu kinh tế Vân Phong từng bước tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng.
Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khánh Hòa là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế, từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả, chưa tạo ra sự đột phá cho phát triển.
Khánh Hòa chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân, động lực phát triển, cửa ngõ chính ra Biển Đông của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Khu kinh tế Vân Phong phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao.
Du lịch phát triển chưa bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Phát triển và quản lý đô thị còn nhiều bất cập. Kết quả hợp tác, liên kết với các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn hạn chế.
Một trong những nguyên nhân là do Khánh Hòa thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý phù hợp để tạo ra động lực mới cho phát triển. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu sự liên kết, đồng bộ, thống nhất, thậm chí xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch; thiếu kết nối chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển đô thị chưa rõ nét và thiếu giải pháp tổng thể để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn thấp, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, hiệu quả sử dụng chưa cao. Các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả.
Chưa hết, Khánh Hòa cũng chưa có giải pháp mang tính đột phá để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; chưa huy động hiệu quả nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào tỉnh,…
Sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương
Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế.
Khánh Hòa sẽ là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2045 sẽ là đô thị thông minh ngang tầm khu vực châu Á, là thành phố đáng sống.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Khánh Hòa phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; kinh tế xanh, tuần hoàn.
Phát triển đô thị
Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu yêu cầu việc điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương.
Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Việc phát triển các vùng kinh tế - xã hội theo hướng phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh.
Khánh Hòa cần phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác dự án Hầm Đèo Cả; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa gồm các đoạn Vân Phong - Nha Trang, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo; tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Song song với đó là nâng cấp, duy tu, bảo trì 5 tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu chuyển đổi tuyến QL.1C thành đường địa phương, đầu tư đường bộ ven biển từ Bãi Chùa đến ranh giới tỉnh Ninh Thuận; đường sắt tốc độ cao đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang; đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Phát triển hệ thống cảng khách thủy nội địa. Phát triển cảng biển loại I là cảng biển có quy mô lớn, như: Khu bến Bắc Vân Phong, Khu bến Nam Vân Phong, Khu bến Nha Trang, Khu bến Cam Ranh, Bến cảng huyện đảo Trường Sa. Đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu trong Khu kinh tế Vân Phong.
Khánh Hòa cần ưu tiên bố trí phù hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để dẫn dắt và thúc đẩy thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn, trong đó có các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
-
Khởi công 2.000 căn nhà phố, shophouse thuộc dự án hơn 46.000 tỷ tại Cam Ranh
Ngày 28/11 vừa qua, Công ty TNHH KN Cam Ranh đã khởi công phân khu Sông Town thuộc khu đô thị CaraWorld Cam Ranh tại Bãi Dài, bán đảo Cam Ranh, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
-
Đường hơn 500 tỉ đồng qua trung tâm TP. Cam Ranh giúp nâng tầm giá đất
Dự án đường Lê Duẩn có tổng chiều dài hơn 4,3km, tổng vốn đầu tư hơn 500 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ góp phần kết nối giao thông khu vực, giảm tải cho quốc lộ 1 đoạn qua trung tâm TP. Cam Ranh....
-
Vietnam Land trở thành đối tác chiến lược phân phối CaraWorld Cam Ranh
Sáng ngày 20/11/2024, tại GEM Center (TP.HCM), Vietnam Land đã ký kết hợp tác với KN Cam Ranh trở thành đại lý phân phối chiến lược của dự án CaraWorld. Đây không chỉ là sự kiện quan trọng đối với hai đơn vị mà còn là cột mốc lớn trên thị trường bất ...