Vàng, USD, tiết kiệm bớt hấp dẫn
Tại Hội thảo Kinh tế thế giới và Việt Nam: "Thực trạng 2014 và triển vọng 2015" do ngân hàng VPBank tổ chức, các đại biểu đã phân tích sâu về những kênh phổ biến trong thời gian qua. Đó là chứng khoán, bất động sản, vàng và gửi tiết kiệm.
Công ty chứng khoán VPBS cho rằng, vàng và gửi tiết kiệm đang mất dần sự hấp dẫn vì lợi tức giảm. Trái ngược với xu hướng tăng trong quý 1/2014, giá vàng quốc tế giảm mạnh, mất 9% trong quý 3. Ba tháng qua, nhà đầu tư đã tìm cách thoát khỏi kênh trú ẩn an toàn là vàng.
Nguyên nhân là do nền kinh tế Mỹ phục hồi, ngân hàng Trung ương châu Âu giảm lãi suất. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng tại Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới giảm mạnh và căng thẳng địa chính trị giảm dần cũng góp phần khiến vàng bớt "lấp lánh".
Thị trường bất động sản trong nước đang được đánh giá cao
Thị trường vàng trong nước liên tục bám sát thị trường vàng quốc tế trong suốt tháng 7 và tháng 8 tuy nhiên dao động không quá mạnh. Nhưng trong tháng 9, giá vàng trong nước chỉ giảm khoảng 2% so với quý trước, cung cần vẫn khá ổn định. Chênh lệch giữa 2 thị trường đạt mức cao kỷ lục 5 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 10.
Kênh gửi tiết kiệm cũng đang dần yếu thế khi lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh theo hướng đi xuống. Lợi suất trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đang giảm về những mức thấp kỷ lục khiến tiền đồng mất giá.
Thị trường USD biến động mạnh hơn, có tăng có giảm nhưng VPBS vẫn đánh giá đây là thị trường tương đối ổn định, có khả năng điều chỉnh nhẹ tới cuối năm.
Theo VPBS, cuối tháng 6, tỷ giá VND/USD tăng cao, vượt ngưỡng 21.300 đồng/USD nhưng vẫn cách xa trần tỷ giá. Với mức lạm phát thấp và dự trữ ngoại hối tương đối mạnh như hiện nay, VPBS cho rằng Ngân hàng Nhà nước đủ sức hạ nhiệt thị trường và tỷ giá chưa phải là mối quan ngại lớn.
Bất động sản, chứng khoán sinh lời “khủng”
Trong khi vàng, USD và gửi tiết kiệm đang giảm dần sức hút thì chứng khoán và bất động sản đang “sáng” hơn rất nhiều.
VPBS đánh giá vốn FDI đang tăng chảy vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2014. Đây là một trong những tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang dần phục hồi. Nguồn vốn lớn dự kiến sẽ chảy vào bất động sản phía Nam.
Lãi suất cho vay thấp hơn thúc đẩy các nhà đầu tư giải ngân sớm do việc sử dụng đòn bẩy cao đã trở nên ít rủi ro. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2014, tín dụng vào thị trường bất động sản tăng 12% so với đầu năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế là 7,26%.
Dù vậy, theo VPBS, nếu cho rằng thị trường bất động sản đã phục hồi hoàn toàn thì vẫn là quá lạc quan khi tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, tốc độ bán hàng đang tiếp tục gia tăng và lòng tin của người mua dần được cải thiện nên đà phục hồi sẽ vững vàng hơn.
VPBS kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ có diễn biến tích cực trong các quý tới cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, lãi suất cho vay thấp hơn và giá cả hợp lý kết hợp với các chương trình khuyến mại của chủ đầu tư.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng được đánh giá cao. Trong một đến hai quý tới, VPBS tự tin nhận định rằng chỉ số VN-Index có thể vượt qua ngưỡng hiện tại. Nguyên nhân chính cho sự tăng giá này đến từ lợi suất trái phiếu.
Ngoài ra, giá cổ phiếu Việt Nam đang ở mức tốt so với các thị trường cùng khu vực. Theo VPBS, chỉ số HSX trong đầu quý này ghi nhận chỉ số P/E thấp hơn so với các sàn chứng khoán Bangkok, Jakarta hay Philiphines. Vì vậy, theo VPBS, giá cổ phiếu sẽ đi lên trong nửa đầu năm sau.
Cả chứng khoán và bất động sản đều hứa hẹn sinh lợi nhuận "khủng" cho nhà đầu tư. Và cũng không dễ so sánh khả năng sinh lời của hai thị trường này.