Nhiều biện pháp mạnh tay
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho biết, vấn đề sai phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội đã lưu cữu hàng chục năm qua. Nó là một trong những nguyên nhân gây phá vỡ quy hoạch đô thị, tạo ra nhiều hệ lụy xấu cho Thủ đô.
Trước thực trạng đó, những năm gần đây, Hà Nội đã mạnh tay xử lý sai phạm trong xây dựng. Nhờ đó, bộ mặt đô thị Hà Nội đã vào quy chuẩn hơn, khang trang hơn, sạch đẹp hơn và đang dần đi vào đúng quỹ đạo quy hoạch.
Sai phạm trật tự xây dựng xảy ra ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội từ dự án lớn tới công trình dân sinh
Tại Hội nghị tổng kết thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức ngày 20/12/2019, Thanh tra xây dựng cho biết, trong năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 19.697 công trình, đạt 100% có hoạt động xây dựng trên địa bàn. Qua đó, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỷ lệ 3,07%), giảm 2,15% so với năm 2018. Đồng thời, UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã ban hành 1.128 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, tổng số tiền xử phạt trên 10 tỷ đồng. UBND cấp huyện, xã cũng đã xử lý dứt điểm 293/605 trường hợp (đạt tỷ lệ 78%) và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 212 trường hợp.
Đối với hoạt động quản lý nhà nước của Sở Xây dựng, trong năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã tổ chức 15 cuộc thanh tra, 147 cuộc kiểm tra chuyên ngành, chủ yếu đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; các dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách của quận, huyện, thị xã.
Theo đó, đã phát hiện, ban hành 172 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 4,49 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 13,53 tỷ đồng.
Trước đó, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, có 98 cán bộ, công chức, lao động hợp đồng thuộc lực lượng thanh tra xây dựng bị xem xét kỷ luật. Riêng tại huyện Sóc Sơn, ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, huyện đã kỷ luật 51 cán bộ công chức, viên chức do liên quan đến những sai phạm đất đai và xây dựng.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, việc thí điểm thành lập các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã đã góp phần giúp UBND cấp huyện, cấp xã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn quản lý.
Đặc biệt, qua công tác kiểm tra xác minh các công trình vi phạm trật tự xây dựng sau khi có thông tin phản ánh của báo chí, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã xử lý dứt điểm các công trình vi phạm; đồng thời, xem xét trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan được giao quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn để xảy ra vi phạm.
Tuy nhiên, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, hiện nay, thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm, báo cáo và đề xuất biện pháp theo quy trình của pháp luật. Vì vậy, tiến độ xử lý các trường hợp vi phạm còn chậm, hiệu quả xử lý một số vụ việc chưa được cao.
Trước thực trạng chậm xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn.
Thành phố cũng yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cam kết với UBND Thành phố về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. Các sở trong quá trình tham gia ý kiến, thẩm định không xem xét, đề xuất giao dự án mới hoặc điều chỉnh dự án đối với nhà đầu tư vi phạm về trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn.
Nhưng vẫn nhức nhối
Mặc dù đã mạnh tay hơn trong việc xử lý sai phạm trật tự xây dựng, nhưng vấn nạn vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn nhức nhối.
Điển hình nhất ở quận nội thành là dự án 8B Lê Trực, quận Ba Đình. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã 6 lần có văn bản yêu cầu UBND TP. Hà Nội xử lý sai phạm và TP. Hà Nội đã có nhiều văn bản gửi UBND quận Ba Đình xử lý dứt điểm sai phạm tại công trình dự án này, nhưng đến nay, đã hơn 4 năm, sai phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Mới đây nhất, cuối năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại 9 dự án của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng, trong đó có 3 dự án có hoạt động bất động sản. Đơn cử, tại Dự án Khu đô thị Quốc Oai, Thanh tra Chính phủ phát hiện Hà Nội giao 27,5 ha đất để doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở cao cấp không thông qua đấu thầu, vi phạm quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, dự án cũng đã được cho phép chuyển 2 ha diện tích đất xây trường mầm non, tiểu học, trạm y tế sang xây nhà ở thấp tầng, chuyển 2,6 ha đất xây dựng chung cư, văn phòng sang đất xây nhà ở thấp tầng, thương mại, dịch vụ, trường mầm non, trạm y tế, khiến diện tích đất ở tăng lên.
Còn tại dự án Khu sinh thái, dịch vụ, văn hóa, thể thao và nhà ở tại xã Đình Xuyên và xã Yên Viên (huyện Gia Lâm) do liên danh Công ty cổ phần Mai Trang Linh và Công ty TNHH Mai Trang triển khai thực hiện, năm 2015, Thường trực Thành ủy thống nhất đồng ý chủ trương đầu tư “Dự án Khu sinh thái, dịch vụ, văn hóa, thể thao và nhà ở”. Tuy nhiên, dù chưa hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý, nhưng nhà đầu tư đã tự ý xây dựng các hạng mục công trình trong dự án, tự ý cho thuê kinh doanh hồ, trồng cây…
Tại một dự án có quy mô khác là Khu nhà ở Minh Tâm thuộc phường Long Biên, quận Long Biên cũng có dấu hiệu xây dựng sai thiết kế, kiến trúc phê duyệt, vi phạm mật độ, phá vỡ quy hoạch cho phép.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về xử lý sai phạm tại dự án Khu nhà ở Minh Tâm, một cán bộ thanh tra xây dựng phường Long Biên cho biết: “Chúng tôi rất khó xử lý, bị vấp đủ thứ, từ chủ dự án đến công tác chỉ đạo. Thậm chí, có xử phạt, thu hồi tang vật vừa về đến phường lại phải mang trả ngay”.
Theo các chuyên gia, một trong nguyên nhân chính khiến việc xử lý sai phạm không dứt điểm là do thiếu quyết liệt của một số cấp chính quyền cơ sở, thậm chí buông lỏng quản lý. Trong khi đó, hệ thống thanh tra xây dựng, chính quyền các phường chưa đề cao trách nhiệm, thiếu sự giám sát, kiểm tra và chưa kiên quyết, chủ động xử lý triệt để các vi phạm. Tình trạng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn để tồn tại, không có biện pháp khắc phục hậu quả vẫn diễn ra, dẫn đến chủ đầu tư coi thường kỷ cương, pháp luật, cố tình vi phạm.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, trách nhiệm trước hết thuộc về lực lượng đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, cần khắc phục ngay. Nếu các đội cứ làm đủ 7 nhiệm vụ của mình, thì chắc chắn không thể phát sinh vi phạm mới.
“Một hộ dân xây nhà chỉ đẩy một xe cát nhỏ, cán bộ quản lý trật tự xây dựng biết ngay, vậy tại sao có những nhà xây rất to lớn mà lại không biết? Điều đó cho thấy, đội ngũ thanh tra chưa thực thi hết trách nhiệm, mà chỉ lập biên bản báo cáo rồi để đó”, bà Ngọc cho biết.